Số ngày nghỉ phép hằng năm tăng thêm theo thâm niên
Tình huống: Chào Luật sư, công việc hiện tại của tôi là người lái tàu, tới nay tôi đã làm công việc này được 7 năm. Luật sư cho tôi hỏi số ngày nghỉ phép hưởng nguyên lương tôi được có là bao nhiêu ngày? Có tăng theo thời gian không?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của Luật Nghiệp Thành, chúng tôi đã tiếp nhận thông tin mà bạn cung cấp và xin đưa ra những ý kiến pháp lý như sau:
1. Số ngày phép người lao động được nghỉ hằng năm
Người lao động (NLĐ) được nghỉ hằng năm, được hưởng nguyên lương nếu làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động (NSDLĐ)[1]:
– Đối với công việc trong điều kiện bình thường thì NLĐ được nghỉ 12 ngày làm việc;
– Đối với NLĐ chưa thành niên, khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì NLĐ được nghỉ 14 ngày làm việc;
– Đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được nghỉ 16 ngày làm việc
Người lái tàu thuộc điều kiện lao động loại V[2], là nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm[3] nên khi bạn đã làm việc đủ 12 tháng cho một NSDLĐ thì bạn sẽ được nghỉ 14 ngày làm việc, hưởng nguyên lương.
2. Số ngày nghỉ phép hằng năm tăng thêm theo thâm niên
Ngoài số ngày phép được nghỉ khi NLĐ làm việc đủ 12 tháng cho một NSDLĐ, NLĐ còn được tính hưởng phép năm theo thâm niên.
Cứ đủ 5 năm làm việc cho một NSDLĐ thì NLĐ sẽ được cộng thêm 01 ngày phép hưởng nguyên lương[4] vào tổng số ngày phép được hưởng.
Cụ thể, khi làm việc từ năm thứ 06 đến năm thứ 10, NLĐ sẽ được nhận thêm 01 ngày phép/năm; từ năm thứ 10 đến hết năm thứ 15, NLĐ sẽ được cộng thêm 02 ngày phép/năm…
Kết luận
Với thông tin bạn hiện đang là người lái tàu, tới nay đã làm công việc lái tàu được 7 năm mà bạn cung cấp thì sau khi làm đủ 5 năm cho một NSDLĐ, bạn sẽ được cộng thêm 01 ngày phép/năm. Cho đến thời điểm hiện nay, bạn có tổng cộng là 15 ngày nghỉ phép hưởng nguyên lương/năm.
Trên đây là ý kiến pháp lý về vấn đề “Số ngày nghỉ phép hằng năm tăng thêm theo thâm niên” mà Luật Nghiệp Thành gửi đến bạn.
Nếu bạn thấy thông tin này hữu ích thì hãy cùng chúng tôi lan tỏa tri thức này đến với cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã quan tâm, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Huỳnh Ngọc Phương Thảo
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 113 Bộ luật lao động 2019
[2] Mục IV Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH
[3] Điều 3 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH
[4] Điều 114 Bộ luật lao động 2019