Hiện nay thì việc khám chữa bệnh đã không còn xa lạ gì đối với mọi người dân, vì đó là nhu cầu thiết yếu trong đời sống để đảm bảo giúp người dân có một sức khỏe tốt , đủ an tâm để làm việc, học hành, tăng gia sản xuất, phục vụ đời sống. Từ nhu cầu khám và chữa bệnh, các phòng khám đã đua nhau để thành lập, đội ngũ y bác sĩ cũng ngày gia tăng.
Bên cạnh những cơ sở, phòng khám chữa bệnh uy tín, có chất lượng thì ở đâu đó là những nơi đã để lại những “tai tiếng” đáng xấu hổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến y đức lẫn niềm tin của toàn xã hội đối với ngành y: các cơ sở khám bệnh hoạt động “chui” không có giấy phép, bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, sử dụng bằng giả, khám chữa bệnh khiến bệnh tình của bệnh nhân ngày càng trở nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị các bệnh viện tuyến trên.
Theo Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là bệnh viện, các phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, bác sĩ gia đình, phòng khám chẩn đoán y học cổ truyền, và các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh khác của cơ sở khám chữa bệnh[1] .Quy định trên đã bao gồm cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân, song các cơ sở vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh thường tập trung chủ yếu ở khu vực tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân được tổ chức bằng các hình thức phổ biến như phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa, phòng khám bác sĩ gia đình (sau đây gọi chung phòng khám tư nhân)
Để phòng khám tư nhân được hoạt động, phòng khám phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư và giấy phép hoạt động do giám đốc Sở Y tế/Bộ trưởng Bộ y tế cấp[2]. Riêng đối với giấy phép hoạt động cần phải thỏa mãn và đáp ứng các điều kiện sau[3]:
- Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ y tế ban hành;
- Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám tư nhân có thời gian hành nghề khám, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng;
- Người đứng đầu phòng khám phải là người hành nghề khám bệnh chữa bệnh.
- Và mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định pháp luật.[4]
Trong trường hợp phòng khám tư nhân khi cung cấp các dịch vụ về khám bệnh và chữa bệnh mà không có giấy phép thì bị phạt tiền từ 50 đến 70 triệu đồng và bị đình chỉ hoạt động từ 06 đến 12 tháng hoặc bị đình chỉ cho đến khi xin được giấy phép hoạt động[5].
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 15 tháng 11 năm 2020 mức phạt có sự điều chỉnh. Cụ thể[6]:
- Mức phạt tiền giảm còn 40 đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm.
- Hình phạt bổ sung, pháp luật gia tăng thời gian đình chỉ hoạt động lên từ 12 đến 24 tháng.
Mặc dù, quy định phạt tiền là vậy, nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều phòng khám không giấy phép sau khi bị xử phạt, đình chỉ vẫn ngang nhiên hoạt động trở lại. Một phần cũng bởi vì chế tài chưa đủ sức răn đe, thông tin cơ sở khám chữa bệnh không giấy phép chưa được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng hay người dân bản địa chưa kịp thời tố giác thì một bộ người dân từ nơi khác lại đến thăm khám, không biết phòng khám, đó đã bị xử lý, vô tình dẫn đến: tiền mất tật mang, bệnh tình trầm trọng, thậm chí là mất mạng mà không rõ vì sao mình chết…
Cùng với đó, bác sĩ khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề, tuy nhiên những năm gần đây tại một số phòng khám tư nhân đã xảy ra nhiều trường hợp bác sĩ tắc trách, thiếu trách nhiệm, sai phạm trong nghề nghiệp và gây ra những hậu quả nghiêm trọng, chẳng hạn như không có chứng chỉ hành nghề, kê sai đơn thuốc, đơn thuốc không có toa…
Đối với bác sĩ khám chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề thì bị xử lý bằng hình thức phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng theo quy định, trong trường hợp làm ở cơ sở khám chữa bệnh (có giấy phép) thì cơ sở đó có thể bị tước giấy phép hoạt động 03 đến 06 tháng[7]. Tuy nhiên, mức xử phạt này tại Nghị định mới ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP có sự thay đổi bổ sung. Theo đó, mức xử phạt có sự thay đổi như sau[8]:
- Phạt tiền: Giữ nguyên mức phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
- Hình phạt bổ sung: Hủy bỏ chế tài tước giấy phép hoạt động 03 đến 06 tháng đối với hành vi khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
- Biện pháp khắc phục: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định (nếu có).
Bên cạnh đó, quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm của bác sĩ mang quốc tịch nước ngoài tiếp tục tái phạm mặc dù trước đó đã bị xử phạt vẫn giữa nguyên chế tài là trục xuất[9].
Mức xử phạt đối với phòng khám tư nhân (có giấy phép) vẫn giữ ở mức phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng nếu sử dụng lao động là bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề[10].
Ngoài ra tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, bác sĩ vi phạm quy định pháp luật về khám chữa bệnh, tắc trách trong nghề nghiệp, gây ra hậu quả cho bệnh nhân còn có thể bị xử lý hình sự với các tội danh sau:
- Tội vi phạm quy định về khám chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác với mức phạt tù 15 năm, cấm hành nghề 05 năm, kèm khoản phạt tiền 50 triệu đồng[11];
- Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp cùng mức phạt tù từ 01 đến 12 năm[12];
- Tội vô ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp cùng mức phạt tù lên đến 05 năm[13];
- Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng cùng với mức phạt tù đến 12 năm[14];
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về quy định xử phạt phòng khám bệnh tư nhân.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 41.1 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
[2] Điều 42 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
[3] Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009.
[4] Phụ lục 13 Thông tư 41/2015/TT-BYT.
[5] Điều 29.6a, 29.7b Nghị định 176/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
[6] Điều 39.6a, Điều 39.7c Nghị định 117/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.
[7] Điều 28.5a, 28.7b, 28.6 Nghị định 176/2013/NĐ-CP.
[8] Điều 38.7a, 38.9b Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[9] Điều 38.8đ Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[10] Điều 39.4a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[11] Điều 315 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.
[12] Điều 129 315 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.
[13] Điều 139 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.
[14]Điều 160 Bộ luật hình sự 2015, SĐBS 2017.