Quy định về việc sửa đổi nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu
Quy định về việc sửa đổi nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu
Thủ tục bảo hộ đối với nhãn hiệu tuân thủ nguyên tắc “first to file” – quyền bảo hộ đối với người nộp đơn đầu tiên, vì thế khi nhãn hiệu đã thỏa điều kiện bảo hộ theo pháp luật sở hữu trí tuệ thì chủ sở hữu phải tiến hành đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khi muốn sửa đổi nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu thì phải làm thế nào? Cần lưu ý những gì khi thực hiện?
Đầu tiên. Qúy bạn đọc cần lưu ý đến khoảng thời gian thực hiện quy định này. Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ thì thời gian thực hiện là trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc Quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Theo đó, sau khi đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận xử lý cho đến khi ra Thông báo từ chối/Quyết định cấp thì trải qua 3 giai đoạn: 01 tháng thẩm định hình thức; công bố đơn trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; thẩm định nội dung không quá 09 tháng. Vậy cá nhân, tổ chức có thể sửa đổi nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu trong 3 giai đoạn này, trước khi Cục ra Thông báo từ chối/Quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Nếu sau khi Cục cấp văn bằng mà chủ sở hữu văn bằng muốn thu hẹp phạm vi quyền trong danh mục hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký nhãn hiệu thì đơn đăng ký tương ứng phải tiến hành thẩm định lại và người yêu cầu phải nộp phí thẩm định[1]. Nếu Cục ra thông báo từ chối thì thực hiện thủ tục lại từ đầu.
Bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Thủ tục sửa đổi tên, địa chỉ của chủ sở hữu trong giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Thứ hai, người yêu cầu cần nộp các khoản phí, lệ phí sau:[2]
– Phí thẩm định yêu cầu sửa đổi: 160.000 đồng cho một nội dung yêu cầu;
– Nếu sửa đổi sau khi đơn đăng ký đã có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ thì phí công bố thông tin sửa đổi là 120.000 đồng cho một đơn;
– Nếu sau khi có Thông báo dự định cấp bằng bảo hộ thì đơn phải thẩm định lại và thu phí thẩm định theo từng đối tượng là 550.000 đồng cho 01 nhóm.
Thứ ba[3], phạm vi sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ vượt quá nội dung đã bộc lộ trong danh mục hàng hóa, dịch vụ. Và không làm thay đổi bản chất của đối tượng nêu trong đơn, đồng thời phải đảm bảo tính thống nhất của đơn.
Ví dụ 1: Ông A nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho công ty du lịch khách sạn vào ngày 10/01/2019. Đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận vào ngày 01/8/2019, do số lượng đơn quá tải. Nhưng vào tháng 9/2019, ông A muốn bổ sung danh mục dịch vụ vui chơi giải trí. Theo đó, thời gian sửa đổi của ông A là hợp lý do Cục Sở hữu trí tuệ vẫn chưa ra Quyết định cấp văn bằng/Thông báo từ chối cấp, mà hiện đang trong giai đoạn thẩm định về hình thức. Tuy nhiên, phạm vi sửa đổi của ông A đang mở rộng phạm vi bảo hộ so với đơn đăng ký ban đầu. Vì thế ở trường hợp này ông A không thể bổ sung vào đơn đăng ký đã nộp mà phải tiến hành nộp đơn đăng ký mới danh mục muốn bổ sung.
Ví dụ 2: Công ty TNHH BB nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho loại hàng hóa quần áo may mặc và túi xách vào ngày 30/10/2020. Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận và xử lý đơn vào ngày 31/12/2020. Ngày 01/7/2021, Công ty TNHH muốn sửa đổi danh mục hàng hóa chỉ còn quần áo may mặc. Ở trường hợp này, Công ty TNHH đang muốn thu hẹp phạm vi bảo hộ mà không làm thay đổi bản chất của đối tượng. Thêm vào đó, thời gian mà Công ty muốn thực hiện việc sửa đổi là trước khi Cục ra Quyết định cấp/Thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ, và đang trong giai đoạn thẩm định nội dung. Vì thế, trường hợp này đơn sửa đổi của công ty BB sẽ được chấp nhận.
Cuối cùng, hồ sơ để thực hiện thủ tục này gồm:[4]
– Tờ khai sửa đổi đơn đăng ký nhãn hiệu; (Mẫu tờ khai B.01 – SĐĐ)
– 05 mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;
– Giấy ủy quyền (nếu có);
– Tài liệu xác nhận việc sửa đổi hợp pháp (nếu có)
– Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí.
Tổng kết, việc sửa đổi nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu ta cần đặc biệt lưu ý về thời gian và phạm vi thực hiện. Nếu vượt quá thời gian thì người yêu cầu cần thực hiện một thủ tục khác thay vì sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký nhãn hiệu. Bên cạnh đó, nếu vượt quá phạm vi bảo hộ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung cũng không được chấp nhận, người yêu cầu phải nộp đơn mới và mọi thủ tục được tiến hành lại từ đầu.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định về việc sửa đổi nhóm hàng hóa, dịch vụ đăng ký nhãn hiệu.”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 97.3 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[2] Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC
[3] Điều 115.3 Luật Sở hữu trí tuệ 2019 và Điều 1.16 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN
[4] Điều 1.16 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN