Quy định về khảo nghiệm giống cây trồng
Giống cây trồng là một quần thể cây trồng – đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của ngành trồng trọt. Muốn loại giống đó được đưa vào lưu hành thì phải trải qua việc kiểm tra để được công nhận và sử dụng. Đặc biệt, đối với loại giống cây trồng chính[1] thì phải qua quá trình khảo nghiệm và được thực hiện bởi tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng.[2] Vì qua khảo nghiệm mới biết được giống cây trồng mới đó có thực sự đem lại những hiệu quả kinh tế và có phát huy được những tính năng tùy theo mỗi vùng đã thử nghiệm hay không. Vậy khảo nghiệm giống cây trồng là gì? Đây là hoạt động theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu. Qua đó, xác định tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, giá trị canh tác, giá trị sử dụng của giống cây trồng theo phương pháp nhất định.[3] Từ những tiêu chí này, tổ chức khảo nghiệm sẽ thực hiện và đánh giá xem cây trồng này có được công nhận lưu hành trên thị trường hay không. Hiện nay, với sự ra đời của Luật Trồng trọt đã có những quy định cụ thể hơn về khảo nghiệm giống cây trồng. Do vậy, Luật Nghiệp Thành sẽ đưa ra những nội dung liên quan đến khảo nghiệm mà các đơn vị sản xuất và cả tổ chức khảo nghiệm sẽ quan tâm:
- Khảo nghiệm giống cây trồng
Việc khảo nghiệm giống cây trồng sẽ được xác định dựa trên các nội dung như:
Thứ nhất là về tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định (khảo nghiệm DUS)[4]
Thứ hai đó là giá trị canh tác, giá trị sử dụng (khảo nghiệm VCU)[5]
Đây là giai đoạn thực hiện xem xét quá trình phát triển của cây trồng, cả trong môi trường nhân tạo và ngoài tự nhiên (trên đồng ruộng). Gồm khảo nghiệm có kiểm soát, khảo nghiệm diện hẹp và diện trộng trên đồng ruộng[6]. Vì sao khảo nghiệm lại quan trọng đến vậy? Bởi vì, giống cây trồng sẽ bộc lộ những tính trạng và đặc điểm như năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu khi tương tác với môi trường. Và hơn nữa, trong từng vùng sinh thái khác nhau, tính trạng cây trồng sẽ biến thiên khác nhau. Do vậy, việc khảo nghiệm là để có những đánh giá khách quan, chính xác đặc điểm của giống có phù hợp với điều kiện môi trường của từng vùng sản xuất hay không.
Việc khảo nghiệm chính là yếu tố tiên quyết trước khi đưa một loại giống cây trồng (chính) đưa vào sản xuất đại trà. Bởi vì, để được đưa vào lưu hành trong thị trường, doanh nghiệp phải được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng. Và phải đáp ứng điều kiện về khảo nghiệm như phải có kết quả khảo nghiệm đảm bảo tính khác biệt, đồng nhất và ổn định. Còn phải có kết quả khảo nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia về giá trị canh tác, giá trị sử dụng.[7]
Bên cạnh đó, theo quy định, khảo nghiệm về tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và khảo nghiệm có kiểm soát chỉ được tiến hành tại một địa điểm cố định[8]. Khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng trên đồng ruộng thì được thực hiện theo từng vùng và phải được tiến hành đồng thời. Giống cây trồng khảo nghiệm ở vùng nào thì được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng ở vùng đó.[9]
- Thực trạng
Hiện nay có rất nhiều loại giống có nguy cơ nhiễm sâu bệnh rất cao. Như ở lúa thì các nhóm dịch bệnh phổ biến thường gặp như là rầy nâu, đạo ôn lá, vàng lá, v..v.. Người dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều lần mới hết, tốn kém rất nhiều về chi phí. Nhưng việc đưa các loại giống lúa mới có chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt lại còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thực tế, chất lượng giống ảnh hưởng tới 25-30% năng suất cây trồng. Vì vậy, nhu cầu tự cung ứng giống cây trồng trong nước là rất quan trọng. Nhưng việc đáp ứng vẫn gặp nhiều khó khăn do giống không đạt chất lượng và người dân vẫn phải nhập các loại giống chất lượng cao từ nước ngoài.
Công tác khảo nghiệm có tác dụng giúp ích người nông dân nhưng lại là một vấn đề rất cần quan tâm. Vì quá trình khảo nghiệm và đánh giá tính thích ứng của các loại giống chưa được kỹ càng. Khi được công nhận quá trình khảo nghiệm thì doanh nghiệp lúc này sẽ được sản xuất thử do Cục Trồng trọt cấp phép. Nhưng phải đáp ứng khảo nghiệm VCU (giá trị canh tác, giá trị sử dụng), việc sản xuất thử lúc này có thể được triển khai diện rộng. Và hiện nay, nhiều doanh nghiệp mời những nông dân tham gia việc sản xuất thử giống mới, nhưng mục đích lại là bán giống chứ không đồng hành cùng người dân. Cuối cùng, cho đến khi mất mùa thì người dân là người chịu thiệt.[10]
Các doanh nghiệp cũng nên lưu ý thực hiện sản xuất thử giống cây trồng phải thông báo, đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kế hoạch của mình. Cũng có trường hợp các doanh nghiệp đưa giống mới về “trình diễn, thử nghiệm” cho người dân nhưng không thông qua các cơ quan chức năng tỉnh đó. Thực hiện sản xuất thử nhưng không thông báo và gây khó khăn cho công tác theo dõi, đánh giá của cơ quan chuyên môn ở địa phương.[11]
Nhưng nếu việc khảo nghiệm được các doanh nghiệp tập trung thực hiện kỹ càng và chú trọng hơn thì việc mang lại nguồn giống chất lượng sẽ đạt được rất nhiều lợi ích. Vừa qua, các cơ quan như Trung tâm khuyến nông tại một số tỉnh thành và Trung tâm phát triển nông nghiệp đã đạt được rất nhiều thành công trong việc xác định các loại giống có triển vọng mang lại năng suất cao, kháng bệnh tốt. Và qua thời gian quan sát và chăm sóc thì các loại giống này đang phát triển rất tốt và chưa có sâu bệnh. Ngoài ra, Trung tâm phát triển nông nghiệp còn tập trung phát triển và khảo nghiệm các loại giống chuối, nấm, bưởi,v…v.[12]
- Các quy định liên quan đến khảo nghiệm
* Các hành vi bị nghiêm cấm:[13]
– Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón.
– Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng.
* Các vi phạm liên quan đến khảo nghiệm
Tại Nghị định 31/2016 có quy định về các hành vi vi phạm mà các tổ chức khảo nghiệm và các đơn vị sản xuất nên lưu ý:
– Đối với tổ chức khảo nghiệm nên lưu ý các hành vi:
+ Khảo nghiệm nhưng không duy trì đầy đủ Điều kiện khảo nghiệm
+ Khảo nghiệm nhưng không thực hiện đúng quy định khảo nghiệm hiện hành
+ Công bố sai sự thật kết quả khảo nghiệm
Thực hiện các hành vi trên sẽ bị phạt tiền tối thiểu là 3 triệu đồng[14] và tối đa là 15 triệu đồng[15].
Riêng hành vi công bố sai sự thật kết quả khảo nghiệm sẽ có hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Quyết định chỉ định khảo nghiệm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với.[16] Và phải buộc cải chính thông tin sai sự thật.[17]
– Đối với đơn vị khi thực hiện sản xuất thử nên chú ý các hành vi sau:
+ Đưa giống cây trồng ra khảo nghiệm sản xuất vượt đến dưới 30%, vượt từ 30% trở lên, vượt từ 30% đến dưới 70%, vượt từ 70% trở lên so với diện tích được phép đối với từng loại giống cây trồng.
+ Không có quy trình kỹ thuật trồng trọt của giống sản xuất thử kèm theo cho người sản xuất.
+ Không có hợp đồng hoặc danh sách ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất thử, thời gian, số lượng giống được chuyển giao.
+ Không có sổ theo dõi, đánh giá giống trong quá trình sản xuất thử.
+ Sản xuất thử giống cây trồng không đúng vùng sinh thái được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Mức phạt tiền sẽ tương ứng với từng hành vi vi phạm cụ thể. Theo đó, tối thiểu sẽ là 5 triệu đồng[18] và tối đa là 50 triệu đồng[19].
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Loài cây trồng chính là loài cây được trồng phổ biến, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế, cần được quản lý chặt chẽ.(Điều 2.7 Luật Trồng trọt 2018)
Như các loại: Lúa, ngô, lạc, đậu tương, cà phê, cam, bưởi,v…v.
[2] Điều 13.5 Luật Trồng trọt 2018
[3] Điều 2.13 Luật trồng trọt 2018
[4] Điều 18.1 Luật Trồng trọt 2018
[5] Điều 18.2 Luật Trồng trọt 2018
[6] Điều 2.14, 16, 17 Luật Trồng trọt 2018
[7] Điều 4.1 Nghị định 94/2019
[8] Điều 19.1 Luật trồng trọt 2018
[9] Điều 19.2, 5 Luật trồng trọt 2018
[10] Thông tin từ Báo Nông Nghiệp
[11] Thông tin từ Báo Nông nghiệp
[12] Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Hà Nội và tỉnh Thái Bình
[13] Điều 9 Luật Trồng trọt 2018
[14] Điều 9.1 Luật Trồng trọt 2018
[15] Điều 9.3 Luật Trồng trọt 2018
[16] Điều 19.4 Luật Trồng trọt 2018
[17] Điều 19.5 Luật Trồng trọt 2018
[18] Điều 10.1 Luật Trồng trọt 2018
[19] Điều 10.5 Luật Trồng trọt 2018