Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý là một trong những quyền được pháp luật sở hữu trí tuệ bảo hộ. Như vậy, chỉ dẫn địa lý là gì? Điều kiện nào để chỉ dẫn địa lý được pháp luật bảo hộ? Hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng thổ hay quốc gia cụ thể.[1]
Ví dụ: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Phú Quốc” cho sản phẩm nước mắm có đặc trưng chỉ sản xuất bằng cá cơm, có màu cánh gián đặc trưng, hoàn toàn tự nhiên chứ không phải bằng cách pha màu, mùi vị thơm ngon. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Đoan Hùng” (Phú Thọ) cho sản phẩm Bưởi Sửu có đặc trưng hình cầu hơi lồi phía cuống quả; quả to, vỏ mỏng, màu xanh; múi dễ tách; mùi thơm đặc trung, vị ngọt đậm không hề đắng.
Tuy nhiên không phải chỉ dẫn địa lý nào cũng đủ điều kiện bảo hộ. Theo đó chỉ dẫn địa lý phải thỏa 02 điều kiện sau[2]:
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
- Khu vực địa lý mang chỉ dẫn phải được xác định chính xác bằng từ ngữ và xuất hiện trên bản đồ thể hiện qua ranh giới của một hoặc nhiều đơn vị hành chính quốc gia, hoặc toàn bộ lãnh thổ quốc gia.
Ví dụ: Sản phẩm vải thiều mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ “Thanh Hà”. Theo đó, vải thiều có nguồn gốc sản xuất từ khu vực địa lý Thanh Hà – một huyện của tỉnh Hải Dương.
– Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
- Danh tiếng được xác định bằng mức độ tín nhiệm thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng có thể biết đến và lựa chọn sản phẩm.[3]
- Chất lượng, đặc tính sản phẩm được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hóa học, vi sinh mà phương tiện kỹ thuât, chuyên gia kết hợp phương pháp có thể kiểm tra được.
- Điều kiện địa lý liên quan là những yếu tố tự nhiên và yếu tố con người. Yếu tố tự nhiên gồm khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái,…Yếu tố con người gồm kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương[4].
Ví dụ: Bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” với sản phẩm Bưởi Da Xanh được người tiêu dùng rộng rãi biết đến và lựa chọn sử dụng. Bên cạnh đó, sản phẩm có chất lượng, đặc tính do điều kiện thiên nhiên đặc trưng và quy trình kỹ thuật sản xuất riêng biệt của khu vực đó.
=> Vậy, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý phải có xuất xứ từ khu vực địa lý tương ứng. Thêm vào đó, sản phẩm phải được người tiêu dùng rộng rãi biết đến và lựa chọn sử dụng; hoặc có chất lượng, đặc tính chủ yếu do điều kiện thiên nhiên hoặc kỹ năng, kỹ xảo, quy trình sản xuất truyền thống của người dân ở khu vực địa lý đó quyết định.
Lưu ý: Qúy bạn đọc cần phải phân biệt hai khái niệm “chỉ dẫn địa lý” và “chỉ dẫn nguồn gốc”. Theo đó, cả hai đều là dấu hiệu chỉ ra khu vực địa lý nơi nơi sản phẩm được tạo ra. Tuy nhiên, “chỉ dẫn nguồn gốc” không đi kèm với danh tiếng, chất lượng hay tính chất đặc thù của sản phẩm, chỉ dẫn này chỉ giúp người tiêu dùng biết rõ sản phẩm này xuất xứ từ đâu. Ví dụ: Made in VietNam, Made in ThaiLand.
Các đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa “chỉ dẫn địa lý”[5]
– Tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa theo nhận thức của người tiêu dùng có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam;
– Chỉ dẫn địa lý nước ngoài không còn được bảo hộ, đã bị chấm dứt bảo hộ hoặc không còn được sử dụng tại quốc gia đó.
– Chỉ dẫn trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ hoặc đã dược nộp đơn đăng ký có ngày nộp hoặc ngày ưu tiên sớm hơn, nếu việc sử dụng chỉ dẫn có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc thương mại của hàng hóa;
– Chỉ dẫn địa lý gây hiều sai lệch cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn.
Vậy tại sao cần phải đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý? Vải thiều được trồng ở nhiều nơi tại Việt Nam, như Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương), Đắk Lắk,… Tuy nhiên sản phẩm vải thiều Lục Ngạn vẫn là nông sản tiêu biểu được người tiêu dùng Việt Nam và bạn bè quốc tế biết đến do chất lượng sản phẩm ngọt, không chua, quả mọng thịt. Hay nước mắm được sản xuất ở nhiều vùng biển như Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Thuận, Nha Trang,… nhưng sản phẩm nước mắm Phú Quốc lại mang nét đặc trưng riêng không lẫn với các loại nước mắm khác. Chính vì chất lượng, nét đặc trưng mà chỉ vùng miền đó có thể sản xuất ra loại sản phẩm đạt tiêu chuẩn, thế nên nhà sản xuất nên đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, để tránh tình trạng “ăn cắp”. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ sẽ đảm bảo lợi ích của nhà sản xuất, thành quả người nông dân khi sử dụng kỹ thuật, quy trình truyền thống để gieo trồng, sản xuất ra đặc sản. Việc bảo vệ lợi ích cho người nông dân, nhà sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế, lao động của địa phương, phát huy tối đa các lợi thế riêng biệt mà chỉ địa phương đó mới có thể phát triển sản phẩm; cải thiện nền nông nghiệp nông thôn. Không những vậy, bảo hộ chỉ dẫn địa lý là đang đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, tránh những trường hợp giả mạo đặc sản chỉ dẫn địa lý để mua bán, quảng cáo nhưng chất lượng lại thua xa với “hàng gốc”.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định về bảo hộ chỉ dẫn địa lý”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 4.22 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019
[2] Điều 79 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019
[3] Điều 81 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[4] Điều 82 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
[5] Điều 80 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019