Quy định pháp luật hiện nay bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông, cụ thể trong những năm gần đây, an toàn giao thông đường bộ đang là một trong những vấn đề lớn được toàn xã hội quan tâm. Bởi lẽ, an toàn giao thông hiện nay đã và đang diễn biến hết sức phức tạp và nghiêm trọng, tình trạng tai nạn giao thông diễn ra từng ngày từng giờ, cướp đi sinh mạng cũng như tổn hại đến sức khỏe và tài sản của biết bao người tham gia giao thông.
Một phần nguyên do là trong bối cảnh nước ta đang phát triển, phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng, cầu đường xây dựng thì ngày một nhiều nhưng chất lượng vẫn chưa đáp ứng kịp, phần nữa chính yếu là do ý thức quá kém, xem thường tính mạng của chính mình và người khác của một bộ phận người tham gia giao thông: chạy xe quá tốc độ cho phép, lạng lách, lấn làn, vượt đèn đỏ, uống nhiều rượu bia…xem thường quy định pháp luật an toàn giao thông. Khi tai nạn giao thông xảy ra, người gây tai nạn ngoài bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông theo quy định pháp luật dân sự.
- Căn cứ bồi thường thiệt hại khi tai nạn giao thông xảy ra: [1]
– Bên bị tai nạn có thiệt hại về tài sản (tài sản bị hủy hoại, hư hỏng); tổn hại đến sức khỏe; tính mạng;
– Lỗi thuộc về bên gây ra tai nạn hoặc lỗi thuộc về cả hai, thì bên gây ra tai nạn phải có trách nhiệm bồi thường;
– Ngoại trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng; tình thế cấp thiết; lỗi hoàn toàn thuộc về bên bị tai nạn thì bên gây ra tai nạn không phải bồi thường.
- Nguyên tắc bồi thường thiệt hại: [2]
– Thiệt hại từ tai nạn giao thông phải có trên thực tế, phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời;
– Mức bồi thường, phương thức BTTH do các bên tự thỏa thuận (một hoặc nhiều lần);
– Trường hợp không có lỗi hoặc lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình người chịu trách nhiệm BTTH, có thể được giảm mức bồi thường;
– Khi mức bồi thường không còn phù hợp trên thực tế thì bên bị thiệt hại (bị tai nạn) hoặc bên gây ra thiệt hại (bên gây ra tai nạn) có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi mức bồi thường;
– Bên bị thiệt hại sẽ không được bồi thường trong trường hợp lỗi thuộc về bên bị thiệt hại;
– Người gây tai nạn thiệt hại từ đủ 18 tuổi trở lên phải tự bồi thường. Chưa đủ 18 tuổi thì cha, mẹ bồi thường.
– Bên có quyền lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.(chẳng hạn như cho người say rượu mượn xe hoặc xe bị hư cho người khác mượn rồi gây ra tai nạn…)
- Chi phí bồi thường:
3.1 Đối với trường hợp thiệt hại về tài sản (hư hỏng và hủy hoại): [3]
– Chi phí bồi thường: chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Chi phí hợp lý ở đây được hiểu là số tiền bồi thường thực tế tương ứng với mức độ thiệt hại của tài sản và phù hợp với mức giá trung bình tại từng địa phương.
3.2 Đối với trường hợp thiệt hại về bị tổn hại sức khỏe: [4]
– Chi phí bồi thường bao gồm:
- Chi phí cho việc cứu chữa, chữa bệnh;
- Chi phí thu nhập cho người chăm sóc (trường hợp người bị tai nạn mất khả năng lao động cần người chăm sóc);
- Chi phí tiền lương thu nhập của người bị tai nạn trong quá trình điều trị;
- Ngoài ra người gây ra thiệt hại (tại nạn) phải bồi thường thêm khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần người bị thiệt hại (tai nạn) phải gánh chịu thông qua thỏa thuận giữa hai bên. Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
3.3 Đối với trường hợp chết người: [5]
– Chi phí bồi thường bao gồm:
- Chi phí do sức khỏe bị xâm phạm (chi phí điều trị trước khi chết);
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Chi phí cấp dưỡng cho những người mà người chết có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Ngoài ra người gây ra thiệt hại phải bồi thường thêm khoản tiền để bù đắp về tinh thần của những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại;
- Mức bồi thường về tinh thần bị tổn thất, do các bên tự thỏa thuận, trong trường hợp thỏa thuận không được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
- Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có): [6]
– 03 năm, tính từ thời điểm bị thiệt hại (tại nạn).
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông xảy ra.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 584 Bộ luật dân sự 2015.
[2] Điều 585 Bộ luật dân sự 2015.
[3] Điều 589 Bộ luật dân sự 2015.
[4] Điều 590 Bộ luật dân sự 2015.
[5] Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.
[6] Điều 588 Bộ luật dân sự 2015.