Quy định riêng đối với người lao động nữ
Tình huống: Công ty tôi chuyên gia công các mặt hàng may mặc nên đa số là lao động nữ. Cho tôi hỏi đối với lao động nữ pháp luật có quy định riêng nào hay không?
Trả Lời:
Chào bạn, dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Khác với lao động là nam, lao động nữ là những người có sức khỏe yếu hơn. Ngoài ra, họ còn phải thực hiện chức năng sinh nở. Do đó, NLĐ nữ có nguy cơ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao hơn NLĐ nam. Chính vì vậy, pháp luật có những quy định riêng để ưu tiên cho những đối tượng này:
Thứ nhất, NSDLĐ không được phép sử dụng NLĐ nữ trong một số công việc nhất định. Đó là các công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con, công việc thường xuyên ngâm mình dưới nước hay làm việc trong hầm mỏ.[1]
Thứ hai, NSDLĐ phải bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp cho NLĐ nữ tại nơi làm việc.[2]
Thứ ba, khi NLĐ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, NSDLĐ còn phải đảm bảo điều kiện, môi trường làm việc không ảnh hưởng xấu đến thai nhi, con nhỏ. NSDLĐ không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
+ Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
+ Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.[3]
Thứ tư, NLĐ nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút.[4]
Thứ năm, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, NLĐ nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc.[5]
Thứ sáu, sau khi nghỉ thai sản lao động nữ được đảm bảo việc làm cũ; trường hợp việc làm cũ không còn thì NSDLĐ phải bố trí việc làm khác nhưng mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.[6]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định riêng đối với lao động nữ”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nguồn bài viết: Tổng hợp.
Ngày cập nhập, bổ sung: 14.10.2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
[1] Điều 137.2 Bộ luật Lao động 2019
[2] Điều 136.2 Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 137.1 Bộ luật Lao động 2019
[4] Điều 137.4 Bộ luật Lao động 2019
[5] Điều 137.4 Bộ luật Lao động 2019
[6] Điều 140 Bộ luật Lao động 2019