Quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Quy định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Nhà nước hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

 

Một số nhà kinh tế vẫn hay đùa vui với nhau rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (“Doanh Nghiệp Nhỏ”) là những đối tượng đến và đi vô thường[1] nhất trong nền kinh tế thị trường. Những doanh nghiệp này có cơ cấu vốn ít, bộ máy tổ chức đơn giản nên được rất nhiều tổ chức cá nhân lựa chọn thành lập. Tuy nhiên cũng vì hoạt động với quy mô nhỏ nên tự thân doanh nghiệp không có khả năng để cạnh tranh với các “ông lớn” trong cùng ngành nghề, cuối cùng dễ dàng bị đào thải.

Với việc Chính phủ kêu gọi thanh niên, sinh viên khởi nghiệp[2] cùng việc ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật phụ trợ[3] đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với hoạt động phát triển kinh tế của đất nước mà trọng yếu là hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hoạt động của các Doanh Nghiệp Nhỏ. Công tác hỗ trợ được thể hiện dưới hình thức hỗ trợ tài chính (tín dụng, thuế, kế toán…), và phi tài chính (thủ tục, mặt bằng sản xuất, công nghệ, pháp lý…)[4]. Trong đó hỗ trợ về pháp lý được đánh giá là phương thức hỗ trợ mới mẻ, thực hiện đúng theo tinh thần “cho cần câu hơn cho cá”. Cụ thể, các tổ chức có nhiệm vụ sẽ thực hiện việc thiết lập và quản lý cơ sở dữ liệu về pháp luật cho Doanh Nghiệp Nhỏ; tổ chức các chương trình cung cấp thêm kiến thức, nâng cao nhận thức cho Doanh Nghiệp Nhỏ.

Các hoạt động này tất nhiên không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp về đội ngũ và chuyên môn pháp lý mà là tăng cường nội lực của doanh nghiệp, cho doanh nghiệp cơ hội phát triển bền vững.

1.Tại sao cần chú trọng hỗ trợ các Doanh Nghiệp Nhỏ?

Thứ nhất, Doanh Nghiệp Nhỏ chính là phương án giải quyết cho tình trạng thất nghiệp của những lao động chưa có trình độ cao với tỷ lệ 98,1% trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam[5]. Đa số các doanh nghiệp lớn sẽ yêu cầu nhân viên đạt được những cấp bậc về kiến thức và kỹ năng nhất định. Trong khi các Doanh Nghiệp Nhỏ lại không đòi hỏi quá cao đối với những tiêu chuẩn này. Cơ hội việc làm ở những Doanh Nghiệp Nhỏ cũng vì thế mà cao hơn. Đây là môi trường tốt cho các lao động còn thiếu tay nghề, thiếu chuyên môn như lao động vùng sâu vùng xa, lao động tay chân, thậm chí là sinh viên mới ra trường.

Thứ hai, Doanh Nghiệp Nhỏ dễ dàng điều chỉnh hoạt động khi xảy ra suy thoái. Cũng chính vì sự hạn chế ở số lượng lao động và cơ cấu vốn nên mức độ nhạy cảm của Doanh Nghiệp Nhỏ thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp lớn. Từ đó trở thành động lực phục hồi nền kinh tế.

Thứ ba, các Doanh Nghiệp Nhỏ thông thường sẽ tập trung chuyên môn hóa trong việc sản xuất, cung cấp một loại sản phẩm, dịch vụ nhất định. Đây là nguồn cung cấp đầu vào ổn định cho các doanh nghiệp lớn – những doanh nghiệp hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực.

Thứ tư, Doanh Nghiệp Nhỏ đóng góp cho tất cả các khu vực trong cả nước. Còn các doanh nghiệp lớn thường chỉ đầu tư vào các trung tâm kinh tế trọng điểm của quốc gia. Việc chú trọng các Doanh Nghiệp Nhỏ sẽ giúp cân đối nguồn lực kinh tế trên địa bàn cả nước, điều chỉnh sự phân bố dân cư, hướng các hoạt động khác phù hợp với quy hoạch của quốc gia…

2.Doanh nghiệp nào được hỗ trợ pháp lý?[6]

Hiện nay, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa sẽ được nhận hỗ trợ pháp lý. Tuy nhiên tùy thuộc vào một số điều kiện mà các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho Doanh Nghiệp Nhỏ để hỗ trợ pháp lý cho các chủ thể kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa[7].

Tiêu chí phân loại doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ, và vừa được quy định như sau:

QUY MÔ

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

 

 

 

 

LĨNH VỰC[8]

DOANH NGHIỆP SIÊU NHỎDOANH NGHIỆP NHỎDOANH NGHIỆP VỪA
Số lao động sử dụng[9]

(Người)

Tổng doanh thu[10]

(tỷ đồng/năm[11])

Nguồn vốn của năm[12]

(tỷ đồng)

Số lao động sử dụng (Người)Tổng doanh thu

(tỷ đồng/năm)

Nguồn vốn của năm

(tỷ đồng)

Số lao động sử dụng

(Người)

Tổng doanh thu

(tỷ đồng/năm)

Nguồn vốn của năm

(tỷ đồng)

Nông, lâm, thủy sản≤ 10≤ 03≤ 03≤ 100≤ 50≤ 20≤ 200≤ 200≤ 100
Công nghiệp, Xây dựng≤ 10≤ 03≤ 03≤ 100≤ 50≤ 20≤ 200≤ 200≤ 100
Thương mại, Dịch vụ≤ 10≤ 10≤ 03≤ 50≤ 100≤ 50≤ 100≤ 300≤ 100
  1. Ai có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho Doanh Nghiệp Nhỏ?

Từ ngày 20 tháng 06 năm 2008 đến nay[13], trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho Doanh Nghiệp Nhỏ thuộc về Bộ tư pháp, các Bộ (các tổ chức pháp chế thuộc Bộ), UBND tỉnh (do Sở Tư pháp chịu trách nhiệm tham mưu)[14]. Tuy nhiên đến ngày 16 tháng 08 năm 2019, quy định về trách nhiệm thi hành công tác hỗ trợ pháp lý cho Doanh Nghiệp Nhỏ sẽ có chút thay đổi[15]. Ngoài sự tăng lên về nội dung trách nhiệm thì cũng có sự tăng lên về số lượng tổ chức cá nhân được trao trách nhiệm hỗ trợ pháp lý (từ 03 lên 06, bổ sung thêm trách nhiệm của Tổ chức đại diện doanh nghiệp, Tư vấn viên pháp luật, và Doanh Nghiệp Nhỏ được hỗ trợ). Cụ thể như sau:

  • Bộ Tư pháp được trao cho nhiều trách nhiệm hơn (07 so với 05), kèm theo thay đổi về thời hạn báo cáo định kỳ cho Chính phủ và Thủ tướng: 05 năm hoặc đột xuất thay vì phải báo cáo hằng năm như trước.
  • Trao trách nhiệm cụ thể thay vì quy định chung chung cho các Bộ; quy định thêm nhiệm vụ của riêng Bộ Tài chính: chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho Doanh Nghiệp Nhỏ.
  • Quy định chi tiết trách nhiệm của HĐND và UBND cấp tỉnh.
  • Quy định mới về trách nhiệm của tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI…) và tư vấn viên pháp luật[16].
  • Quy định trách nhiệm của cả Doanh Nghiệp Nhỏ được hỗ trợ. Điều này góp phần ngăn chặn tâm thế ỷ lại của doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Nhà nước hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Cập nhật, bổ sung ngày: 01/09/2021

Người bổ sung: Lê Tuấn Huy

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Không chắc chắn, thay đổi, không trường tồn.

[2] Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. 16.10.2016. Lễ phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”.

[3] Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ; Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017; Nghị định 66/2008/NĐ-CP; Thông tư liên tịch 157/2010/TTLT-BTC-BTP; Quyết định 585/QĐ-TTg; Nghị định 39/2018/NĐ-CP…

[4] Xem thêm Luật Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

[5] Tổng cục thống kê. Tổng điều tra Kinh tế năm 2017. Số liệu tính đến ngày 01.01.2017.

[6] Điều 6 Nghị định 80/2021/NĐ-CP.

[7] Điều 19 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[8] Lĩnh vực hoạt động của Doanh Nghiệp Nhỏ được xác định căn cứ vào quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế và quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, lĩnh vực hoạt động Doanh Nghiệp Nhỏ được xác định dựa trên ngành, nghề kinh doanh chính mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.

Xem thêm Điều 6 Nghị định 80/2021/NĐ-CP.

[9] Số lao động sử dụng tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm của Doanh Nghiệp Nhỏ. Xem thêm Điều 7 Nghị định 80/2021/NĐ-CP.

[10] Tổng doanh thu của năm là tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp và được xác định trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm hoặc trên 01 năm nhưng chưa phát sinh doanh thu thì doanh nghiệp căn cứ vào tiêu chí tổng nguồn vốn để xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa.

[11] Năm tài chính.

[12] Tổng nguồn vốn của năm được xác định trong bảng cân đối kế toán thể hiện trên Báo cáo tài chính của năm trước liền kề mà doanh nghiệp nộp cho cơ quan quản lý thuế. Tổng nguồn vốn của năm được xác định tại thời điểm cuối năm.

Trường hợp doanh nghiệp hoạt động dưới 01 năm, tổng nguồn vốn được xác định trong bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm cuối quý liền kề thời điểm doanh nghiệp đăng ký hưởng nội dung hỗ trợ.

Xem thêm Điều 8 Nghị định 80/2021/NĐ-CP.

[13] Điều 16 Nghị định 66/2008/NĐ-CP.

[14] Điều 13 Nghị định 66/2018/NĐ-CP.

[15] Điều 14 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[16] Xem thêm Điều 19 Nghị định 77/2008/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 05/2012/NĐ-CP.

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*