Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu

Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu

Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu

Phụ cấp thâm niên có thể được hiểu là khoản phụ cấp dành cho những người có quãng thời gian làm việc, công tác lâu năm trong ngành. Và những giáo viên được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo là những người đã, đang công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động và những cơ sở, trung tâm thực hiện các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội.

Các khoản phụ cấp thâm niên này được xem như là một sự khích lệ nhằm công nhận công lao đóng góp và khuyến khích đối với những người gắn bó lâu dài với nghề. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người chưa biết được “Cách tính phụ cấp thâm niên nhà giáo như thế nào?” Và thắc mắc “Liệu những nhà giáo chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu thì có được hưởng chế độ trợ cấp nào không?”

Với bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ lý giải cho bạn những thắc mắc nêu trên.

1) Cách tính phụ cấp thâm niên hằng tháng của nhà giáo[1]

Mức tiền phụ cấp

thâm niên

=Hệ số lương theo ngạch,  bậc cộng hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởngxMức lương tối thiểu chung do Chính phủ quy định từng thời kỳxMức % phụ cấp thâm niên được hưởng

Trong đó:

–  Khi đủ 5 năm (60 tháng) làm việc thì sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương người đó đang được hưởng cộng với khoản phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)[2];

– Từ năm làm việc thứ 6 trở đi thì cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) mức % phụ cấp thâm niên được hưởng sẽ được tính thêm 1%.

Thời gian làm việc để tính phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian sau[3]:

– Thời gian mà người đó thực hiện công việc giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục công lập[4];

– Thời gian mà người đó thực hiện công việc giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập (Quy định này áp dụng đối với những người đang công tác trong các cơ sở giáo dục công lập nhưng trước đây đã từng công tác giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập)[5];

– Thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác gồm: Thời gian làm việc được xếp lương theo một trong các ngạch hoặc chức danh của các chuyên ngành hải quan, tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, kiểm tra Đảng và thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên trong quân đội, công an và cơ yếu (nếu có)[6];

– Thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước khi đi nghĩa vụ quân sự người đó đang được tính hưởng phụ cấp thâm niên nghề[7];

Lưu ý: Thời gian giảng dạy, giáo dục để tính trợ cấp thâm niên không bao gồm thời gian tập sự; thử việc; nghỉ việc riêng không hưởng lương từ 1 tháng trở lên; nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn cho phép; thời gian bị đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ; tạm giam[8].

Ví dụ: Anh X đã giảng dạy tại trường Đại học công lập được 5 năm (có tham gia đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc). Tuy nhiên, sau đó anh X đăng ký đi nghĩa vụ quân sự với thời gian 2 năm. Sau khi xuất ngũ, anh này tiếp tục trở lại công tác tại trường Đại học nơi mình đã làm việc trước đó, cho đến nay đã được 6 năm. Vậy thời gian hưởng trợ cấp thâm niên nhà giáo hiện tại của anh X sẽ được tính như sau:

5 năm giảng dạy tại trường Đại học công lập+2 năm đi nghĩa vụ quân sự+6 năm công tác tại trường Đại học (sau khi xuất ngũ)=13 năm

Trên thực tế, còn nhiều nhà giáo về hưu thuộc các trường hợp được hưởng phụ cấp thâm niên nêu trên tuy nhiên vẫn chưa được hưởng khoản phụ cấp này. Ví dụ cụ thể như:

+ Bà C làm việc trong cơ quan công an được 13 năm, sau đó chuyển ngành đến giảng dạy tại một trường Đại học an ninh và nghỉ hưu. Tuy nhiên, bà này chỉ được hưởng phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang chứ không được hưởng phụ cấp nhà giáo;

+ Ông A giảng dạy tại một trường Đại học khoa học – kỹ thuật được 11 năm, sau đó được cử sang làm chuyên gia giáo dục ở nước ngoài. Khi hết thời hạn làm chuyên gia ở nước ngoài, ông này trở về nước cũng là lúc đã đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, ông A chỉ được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo chứ không được hưởng phụ cấp thâm niên đối với quãng thời gian mình làm chuyên gia ở nước ngoài;

Document

Nhằm giải quyết tình trạng nêu trên, Nghị định 14/2020/NĐ-CP quy định về chế độ trợ cấp đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu đã được ban hành và sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/03/2020. Vấn đề này được quy định cụ thể như sau:

2) Điều kiện tính hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu

Các nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu sẽ được hưởng khoản trợ cấp này nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Người đó đã trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên[9];

– Người đó nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1994 đến ngày 31/05/2011[10].

– Người đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 01/01/2012[11].

Lưu ý: Trường hợp người nào bị tạm dừng hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu[12].

3) Mức hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu

Đối với những nhà giáo đáp ứng đầy đủ những điều kiện nêu trên thì những người đó sẽ được hưởng mức trợ cấp (bằng tiền) như sau:

Số tiền trợ cấp[13]=Lương hưu thángx10%xSố năm được tính trợ cấp

Trong đó:

– Lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm xét trợ cấp (áp dụng từ ngày 15/03/2020)[14];

– Số năm được tính trợ cấp bằng tổng của các thời gian sau[15]:

+ Thời gian trực tiếp thực hiện các công việc giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục;

+ Thời gian tham gia giảng dạy tại các lớp học được tổ chức ở các đơn vị thanh niên xung phong, nếu quãng thời gian này không liên tục thì được phép cộng dồn;

Tuy nhiên, thời gian xét hưởng trợ cấp không bao gồm thời gian người đó đã được hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu.

Lưu ý: Nếu thời gian để tính hưởng trợ cấp có số tháng lẻ từ 3 đến 6 tháng thì sẽ được tính tròn thành nửa năm; số tháng lẻ từ 6 đến dưới 12 tháng sẽ được tính tròn thành 1 năm[16].

4) Thành phần hồ sơ xin hưởng chế độ trợ cấp

Đối với những nhà giáo đang hưởng lương hưu:

Nộp 1 bản Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp[17] đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi người đó đã tham gia chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc[18].

Đối với nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ nhưng đã mất (kể từ ngày 01/01/2012 trở về sau)[19]:

Khi những nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp, chưa được giải quyết chế độ nhưng đã mất (kể từ ngày 01/01/2012 trở về sau) thì người được nhân thân của nhà giáo đó (bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi) ủy quyền thì có thể làm hồ sơ gửi đến cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi nhà giáo đó đã tham gia chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc để nhận chế độ trợ cấp[20]. Thành phần hồ sơ bao gồm:

  1. Tờ khai đề nghị hưởng trợ cấp của thân nhân[21];
  2. Bản chụp Giấy chứng tử hoặc Giấy báo tử hoặc Quyết định của tòa án tuyên bố là đã chết (cần mang theo bản chính để đối chiếu)[22].
  3. Văn bản ủy quyền của các nhân thân[23] của nhà giáo đã mất[24]. Trong trường hợp nhà giáo chỉ có một thân nhân thì không cần phải nộp văn bản ủy quyền này[25].

Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận đầy đủ hồ sơ đề nghị của người đủ điều kiện hưởng trợ cấp thì cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người được hưởng. Trong trường hợp người đó không được giải quyết cho hưởng trợ cấp thì cơ quan đó phải có văn bản trả lời, đồng thời nêu rõ lý do từ chối[26].

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đã nghỉ hưu

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

[1] Điều 2.3 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[2] Điều 2.3 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[3] Điều 2.1 Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[4] Điều 2.1.(a) Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[5] Điều 2.1.(b) Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[6] Điều 2.1.(c) Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[7] Điều 2.1.(d) Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[8] Điều 2.1.(đ) Thông tư liên tịch số 68/2011/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC-BLĐTBXH

[9] Điều 3.1 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[10] Điều 3.2 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[11] Điều 3.3 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[12] Điều 3.3 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[13] Điều 4.1 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[14] Điều 4.1.(a) Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[15] Điều 4.1.(b) Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[16] Điều 4.1.(b) Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[17] Mẫu số 01 ban hành kèm Nghị định số 14/2020/NĐ-CP

[18] Điều 5.1 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[19] Điều 5.2 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[20] Điều 4.2 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[21] Điều 5.2.(a) và Mẫu số 02 ban hành kèm Nghị định số 14/2020/NĐ-CP

[22] Điều 5.2.(b) Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[23] Mẫu số 03 ban hành kèm Nghị định số 14/2020/NĐ-CP

[24] Điều 5.2.(c) Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[25] Điều 5.2.(c) Nghị định 14/2020/NĐ-CP

[26] Điều 6 Nghị định 14/2020/NĐ-CP

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*