Những trường hợp phải có giấy phép xây dựng đối với nhà ở
Những trường hợp phải có giấy phép xây dựng đối với nhà ở
Xin cấp phép khi xây dựng nhà ở là việc làm cần thiết, giúp xác định được việc xây dựng ngôi nhà này có hợp pháp hay không, xác định các thông tin ghi nhận trên các giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở nhà ở để tránh các rủi ro, tranh chấp sau này. Đây là thủ tục bắt buộc đối với hầu hết các công trình nhà ở. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ làm rõ các trường hợp về xin giấy phép xây dựng nhà ở.
Giấy phép xây dựng nhà ở là gì?
Giấy phép xây dựng nhà ở là giấy tờ xác nhận việc cho phép cá nhân, tổ chức được phép thực hiện việc xây dựng nhà ở theo nguyện vọng trong phạm vi nội dung được cấp phép. Đây là một công cụ để xác định người dân xây dựng nhà đúng hay không đúng quy hoạch. Giấy phép xây dựng có hiệu lực kể từ ngày cấp phép và không quá 12 tháng sau khi được cấp phép.[1]
Trường hợp được miễn giấy phép xây dựng nhà ở:
– Nhà ở riêng lẻ dưới 07 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt;[2]
Quy hoạch chi tiết 1/500 là bản quy hoạch gồm nội dung xác định chỉ tiêu dân số, bố trí đầy đủ các công trình trên đất về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, chi tiết đến từng ranh giới lô đất của các dự án đầu tư xây dựng và cũng là cơ sở để định vị công trình, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình.[3]
– Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng[4]; quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn mà đã được phê duyệt trừ trường hợp xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.[5]
– Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng trừ trường hợp xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa.[6]
– Sửa chữa, cải tạo lại bên trong nhà ở hoặc sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị nhưng không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của nhà ở.[7]
*Lưu ý: Cách tra cứu nhà đất có thuộc quy hoạch hay không
Để biết nhà ở có nằm trên khu vực có quy hoạch hay không, bạn đọc có thể chọn những cách sau:
1.Xin thông tin tại Văn phòng đăng ký đất đai thông qua phiếu yêu cầu (có trả phí)[8]
2.Tra cứu thông tin trực tiếp tại trụ sở UBND huyện.[9]
3.Tra cứu thông tin trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện.[10]
Trường hợp bắt buộc xin giấy phép xây dựng nhà ở
Vì Luật Xây dựng không quy định rõ các trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng nhà ở, cho nên có thể hiểu ngoại trừ các công trình nhà ở đơn lẻ được miễn giấy phép như trên thì còn lại tất cả các công trình nhà ở riêng lẻ tại đô thị, nông thôn đều phải xin cấp phép xây dựng.
Bạn đọc tham khảo bài viết Các vấn đề cần biết khi xin giấy phép xây dựng nhà ở.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Những trường hợp phải có giấy phép xây dựng đối với nhà ở”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 90.10 Luật xây dựng 2014
[2] Điều 1.30 Luật xây dựng sửa đổi 2020
[3] Điều 30.1, 30.2 Luật Quy hoạch đô thị 2009
[4] Điều 27.2.a và Điều 28.2.a Luật xây dựng 2014 và Điều 28.18.b Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch: Quy hoạch xây dựng khu chức năng là việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, chỉ tiêu dân số, sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đánh giá môi trường chiến lược trong phạm vi một khu chức năng.
[5] Điều 1.30 Luật xây dựng sửa đổi 2020
[6] Điều 1.30 Luật xây dựng sửa đổi 2020
[7] Điều 1.30 Luật xây dựng sửa đổi 2020
[8] Điều 9.2 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT
[9] Điều 6.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.
[10] Điều 6.1 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.