Những rủi ro khi mua bán xe bằng hợp đồng ủy quyền
Vài năm trở lại đây xuất hiện một cách thức mua bán xe mới mà nhiều người sử dụng đó là làm hợp đồng ủy quyền. Rất dễ để tìm những tin rao trên mạng với nội dung xe chính chủ, ủy quyền bao sang tên. Do sự nhanh chóng và tiện lợi, chưa đầy 30 phút là đã có thể hoàn tất việc mua bán nên được nhiều người ưu tiên sử dụng. Vừa tiết kiệm thời gian lại ít tốn chi phí, khoảng 200.000 đồng cho việc công chứng hợp đồng ủy quyền. Vậy cụ thể việc mua bán bằng hình thức này là như thế nào và có những rủi ro tiềm ẩn gì khi mua bán xe bằng hình thức này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Việc mua bán xe bằng hợp đồng ủy quyền có hai hình thức. Hình thức đầu tiên mua đi bán lại. Người chủ xe thay vì ký hợp đồng mua bán với người mua thì lại ký hợp đồng ủy quyền. Mục đích họ làm việc này để bán lại cho người tiếp theo và không phải nộp thuế, phí trước bạ cho việc sang tên. Cứ như thế từ người mua đầu tiên sẽ tiếp tục làm hợp đồng ủy quyền cho những người mua tiếp theo. Đến khi gặp người có yêu cầu ký hợp đồng mua bán thì họ sẽ sử dụng hợp đồng ủy quyền này để ký bán. Việc mua bán đơn giản nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, cụ thể bao gồm các vấn đề sau:
+ Rủi ro hợp đồng ủy quyền vô hiệu. Một ví dụ cụ thể chủ xe ủy quyền cho một người ký hợp đồng bán xe, hoàn tất việc thanh toán. Nhưng trong lúc tiến hành thủ tục sang tên thì phát hiện chủ xe gặp tai nạn dẫn tới bất tỉnh hoặc chết[1] trước lúc ký hợp đồng. Điều này làm hợp đồng ủy quyền không còn hiệu lực và hợp đồng mua bán đã ký cũng không còn giá trị. Người mua vừa gặp nguy cơ mất tiền, người bán không thực hiện được mục đích bán xe, trễ nãi công việc trong dự định và mất thời gian giải quyết vấn đề phát sinh[2].
+ Rủi ro không ủy quyền được cho người thứ ba do không có sự đồng ý của chủ xe. Trường hợp này thay vì ký hợp đồng mua bán thông thường thì người mua yêu cầu ký hợp đồng ủy quyền do mục đích mua để đầu tư, không có nhu cầu sang tên. Đã hoàn tất việc ký hợp đồng ủy quyền và thanh toán. Sau đó có người hỏi mua lại xe cũng bằng hình thức ủy quyền. Nhưng khi tiến hành ký hợp đồng ủy quyền cho bên thứ ba Công chứng viên yêu cầu phải có sự đồng ý của chủ xe. Dù trong nội dung của hợp đồng ủy quyền có điều khoản cho phép được ủy quyền lại nhưng đây không được xem là sự đồng ý của chủ xe tại thời điểm ủy quyền. Nội dung này được hiểu là quyền và nghĩa vụ của bên nhận ủy quyền. Lúc này nếu không được sự giúp đỡ của chủ xe ban đầu người bán sẽ không thể ủy quyền lại cho người mua.[3]
+ Rủi ro không nhận được tiền bán xe khi thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Bạn mua xe bằng hợp đồng ủy quyền và bán lại cho công ty. Hoàn tất việc ký hợp đồng mua bán và công ty thanh toán chuyển khoản cho bạn. Nhưng khi ra ngân hàng rút tiền thì ngân hàng không đồng ý với lý do trong nội dung của hợp đồng ủy quyền không có dòng chữ “rút tiền hay nhận tiền từ ngân hàng”. Lúc này bạn phụ thuộc vào chủ xe nhờ họ làm tiếp một hợp đồng ủy quyền khác có nội dung được phép rút tiền, nhận tiền từ tài khoản ngân hàng.
+ Rủi ro không kiểm tra được tình trạng của xe do mua bán bằng hợp đồng ủy quyền nên có thể xe đã bị cầm cố, thế chấp, kê biên.
+ Rủi ro bị chủ xe yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng ủy quyền vô hiệu do mục đích của hợp đồng ủy quyền nhằm trốn tránh việc ký hợp đồng mua bán xe[4].
+ Rủi ro bị mất, hư hỏng hợp đồng ủy quyền. Lúc này bạn phải làm thủ tục trích lục tại nơi làm hợp đồng ủy quyền hoặc nhờ người bán thực hiện lại thủ tục ủy quyền. Trường hợp này phụ thuộc người bán phải có thiện chí giúp đỡ.
Trường hợp thứ hai chủ xe vì nhiều lý do nên phải ủy quyền ký hợp đồng mua bán xe. Nhưng lại không giám sát việc sang tên thì sau khi ký hợp đồng mua bán sẽ dẫn đến các rủi ro sau:
+ Bao gồm các rủi ro trong trường hợp thứ nhất;
+ Rủi ro chậm sang tên xe dẫn đến các phiền phức phát sinh như xe gây tai nạn, xe dùng làm phương tiện phạm tội, người mua giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Lúc này người chủ xe nếu không quy định trong hợp đồng mua bán điều khoản trách nhiệm quản lý sử dụng phương tiện cho bên mua thì sẽ liên đới chịu trách nhiệm.
+ Xe sẽ là tài sản thừa kế trong quá trình sang tên xe nếu người chủ xe chết sau khi ký hợp đồng mua bán hoặc khi chưa hoàn tất thủ tục sang tên.
Do có rất nhiều rủi ro phát sinh trong trường hợp mua bán xe bằng hợp đồng ủy nên người mua và người bán cần hết sức cẩn trọng. Cần tìm hiểu kỹ nội dung của hợp đồng ủy quyền, thời hạn ủy quyền, tình trạng sức khỏe của người ủy quyền, tình trạng của xe (có bị kê biên, cầm cố, thế chấp,… hay không). Nếu cảm thấy không yên tâm bạn nên ký hợp đồng mua bán theo thủ tục thông thường để đảm bảo quyền lợi cho mình. Đối với trường hợp phải ủy quyền để thực hiện thủ tục mua bán, chủ xe nên ủy quyền cho người quen ký hợp đồng mua bán nhằm đảm bảo giám sát được việc sang tên nhanh, liên tục không có sự trì hoãn ngay sau khi ký hợp đồng mua bán để tránh rủi ro.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về “Những rủi ro khi mua bán xe bằng hợp đồng ủy quyền”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 140.3.đ Bộ luật dân sự 2015
[2] Điều 143.3 Bộ luật dân sự 2015
[3] 564.1.a Bộ luật dân sự 2015
[4] Điều 124.2 Bộ luật dân sự 2015