Những lưu ý khi mua hàng qua mạng
Thời buổi kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ, kéo theo đó là những thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại. Cuộc sống con người được trang bị những tiện ích tối ưu hơn bao giờ hết. Trong số đó phải kể đến sự hình thành và phát triển của những website, trang bán hàng online như Tiki, Amazon, Lazada, Shopee,…và những tài khoản kinh doanh, bán hàng hóa, đồ ăn qua mạng xã hội facebook, zalo,… xuất hiện ngày càng nhiều. Chẳng cần phải đi đâu xa, không phải ngại nắng, sợ gió, bạn chỉ cần ở nhà, lướt web, chọn lựa và đặt hàng. Sản phẩm sẽ đến tay bạn nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, “hiện đại thì hại điện”, càng tiện lợi bao nhiêu thì mức độ rủi ro cũng theo tỷ lệ thuận tăng lên bấy nhiêu. Trong thực tế, không ít trường hợp khách hàng gặp cảnh “treo đầu dê, bán thịt chó”, đặt hàng một đằng nhưng khi nhận hàng lại một nẻo. Bởi vậy, làm sao để tránh khỏi những tình trạng hy hữu nói trên là điều mà chắc hẳn các tín đồ thường xuyên mua hàng online rất quan tâm. Luật Nghiệp Thành sẽ đưa ra một số gợi ý giúp các bạn dưới đây:
Chọn nhà cung cấp hàng hóa uy tín: Chữ tín từ trước đến nay luôn luôn được đặt lên hàng đầu trong các mối quan hệ làm ăn. Đối với các trang bán hàng online lớn và đa dạng như Shopee, Sendo,…luôn đặt quyền lợi khách hàng lên trên hết. Điều đó thể hiện ở quy chế cho “hoàn trả hàng trong vòng 48h kể từ khi nhận hàng” nếu khách hàng cảm thấy không hài lòng về chất lượng hàng hóa hay người bán giao sai mặt hàng. Bên cạnh đó, những website bán hàng uy tín thường đề thông tin địa chỉ, liên hệ, bộ phận chăm sóc khách hàng rõ ràng, cụ thể, không mập mờ,…
Đọc kĩ phần mô tả sản phẩm: Trước khi đặt mua một mặt hàng nào đó, các bạn nên dành thời gian đọc kĩ phần mô tả, hướng dẫn sử dụng để tránh trường hợp khi nhận hàng không đúng mẫu, đúng loại mình mong muốn, mà lỗi lại là do phía khách hàng không đọc kĩ thông tin sản phẩm thì sẽ rất ít trường hợp được hoàn trả lại hàng hóa.
Xem các bình luận và phản hồi của người dùng trước: Hiện nay, hầu như các trang bán hàng đều có để công khai các bình luận, phản hồi của khách hàng. Bên cạnh đó còn có thể đánh giá chất lượng hàng hóa thông qua lượng vote “sao”. Thường những trang có lượng vote cao từ 4 đến 5 “sao” thì hàng hóa sẽ có chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả, bởi vì hiện nay đã có nhiều người lập tài khoản ảo nhằm làm tăng lượt bình chọn cho tài khoản bán hàng của mình. Hơn thế nữa, các bạn cần hạn chế mua hàng ở những nhà cung cấp bật chế độ ẩn bình luận, phản hồi, không có thông tin địa chỉ, thông tin người bán cụ thể,…
Cẩn trọng với các chương trình khuyến mãi: Các chương trình khuyến mãi, ưu đãi hấp dẫn luôn được tổ chức, diễn ra thường xuyên. Tuy nhiên, ông bà ta thường nói “tiền nào của nấy”, cho nên bạn cần phải cân nhắc, xem xét thật kĩ hàng hóa có thực sự chất lượng như mình mong muốn hay không rồi mới đặt hàng, đừng quá ham giá rẻ mà mua nhiều để rồi trúng phải hàng giả, hàng kém chất lượng. “Tiền mất tật mang”, dùng không được, mà vứt cũng chẳng xong.
Lưu ý về các khoản chi phí phát sinh: Trong một số trường hợp, bạn tìm được một sản phẩm với mức giá phải chăng. Tuy nhiên, phí vận chuyển lại ngang ngửa thậm chí có lúc cao hơn cả giá hàng hóa. Cần cân nhắc kĩ và nếu cảm thấy không hiểu về khoản phí phát sinh này hãy liên lạc ngay với nhà cung cấp để được giải đáp rõ ràng.
Biết rõ được những quyền lợi mà pháp luật bảo vệ cho người tiêu dụng như: Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả,…[1]; được bồi thường do hàng hóa bị lỗi[2] gây ra.[3]
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Những lưu ý khi mua hàng qua mạng’
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Khoản 6, Điều 8 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010
[2] Khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010
[3] Điều 23 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010