Nhạc cover, remix có vi phạm bản quyền?
Một bản nhạc hoàn chỉnh là sự kết hợp giữa cao độ, nhịp điệu, âm sắc và lời bài hát, do chính ca sĩ, nhạc sĩ trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của bản thân. Vậy khi bản nhạc được một cá nhân khác hát lại (cover) hoặc phối khí hòa âm (remix) tạo ra một phiên bản khác thì hành vi của cá nhân thực hiện có được xem là vi phạm bản quyền không? Để có thể giải đáp thắc mắc của Quý bạn đọc, Luật Nghiệp Thành sẽ đưa ra tình huống giả định và làm rõ nó:
Bài hát AB do ca sĩ D viết và phát hành vào năm 2020. Năm 2021, bài hát trở nên thịnh hạnh; tháng 8/2021, ca sĩ G đã cover bài hát đăng trên Youtube mà không ghi rõ tên tác giả cũng như chưa được sự cho phép của tác giả. Tháng 11/2021, học sinh K đã biểu diễn bài hát trong buổi sinh hoạt đầu tuần của trường THPT LT. Tháng 12/2022, ca sĩ E đã remix bản nhạc AB hòa âm chung với một bản nhạc khác mà không được tác giả D cho phép, và đăng tải trên trang cá nhân của bản thân (Facebook). Hỏi các hành vi sử dụng tác phẩm âm nhạc trên có đang vi phạm bản quyền không?
Căn cứ vào quy định của pháp luật thì bản nhạc là một loại hình tác phẩm âm nhạc được bảo hộ theo nguyên tắc tự động. Tức khi bản nhạc được tác giả sáng tạo ra thì đã phát sinh quyền tác giả và không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào. Vì thế, trước khi sử dụng tác phẩm âm nhạc của tác giả, cá nhân, tổ chức thì phải được sự cho phép và trả thù lao cho tác giả, người sở hữu tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp sau[1]:
– Tự sao chép 01 bản để phục vụ cho quá trình nghiên cứu, giảng dạy;
– Biểu diễn tác phẩm trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới mọi hình thức;
– Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác dành cho người khiếm thị,…
Bên cạnh đó, nếu tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm âm nhạc để phát sóng có hoặc không có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kì hình thức nào thì không phải xin phép nhưng phải trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, người sở hữu tác phẩm. Dù ở trường hợp nào thì việc sử dụng tác phẩm âm nhạc phải tuân thủ 3 điều kiện:[2]
– Không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của bài nhạc;
– Không gây hại đến quyền tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
– Phải ghi đầy đủ tên tác giả, nguồn gốc và xuất xứ của bài hát.
Ngoại trừ các trường hợp không phải xin phép, không cần trả thù lao, nhuận bút; và trường hợp không phải xin phép nhưng phải trả thù lao, nhuận bút thì những trường hợp khác sử dụng mà chưa có sự đồng ý của tác giả, người sở hữu tác phẩm đều xem là hành vi xâm phạm đến quyền tác giả.
Từ đó, ta xem xét đến yếu tố xâm phạm bản quyền tác giả của từng hành vi trong tình huống trên:
– Hành vi cover chưa được sự đồng ý của tác giả D, chị G hát lại tác phẩm âm nhạc nhưng không thể hiện tên tác giả và không thuộc một trong hai trường hợp không phải xin phép nên đây là hành vi vi phạm bản quyền. Theo đó, chị G sẽ bị phạt hành chính với số tiền từ 5 triệu đến 10 triệu và buộc dỡ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số.[3]
– Hành vi của học sinh K dù chưa được nhận được sự cho phép của tác giả D tuy nhiên em chỉ biểu diễn tác phẩm trong buổi sinh hoạt không có thu tiền, và đây là trường hợp không phải xin phép và không cần trả tiền thù lao, nên hành vi của K không xem là hành vi xâm phạm;
– Chị E không được sự cho phép của tác giả đã cắt ghép, phối khí cùng một bản nhạc khác thì đây là hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm. Đối với hành vi này chị E phải cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin sai sự thật; dỡ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm; và bị phạt hành chính từ 3 triệu đến 5 triệu đồng. [4]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Nhạc cover, remix có vi phạm bản quyền?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[2] Điều 25.2, Điều 26.2 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[3] Điều 12 Nghị định 131/2013/NĐ-CP
[4] Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP