Người vay quá hạn trả góp xử lý thế nào?
Mua hàng trả góp là một giao dịch diễn ra khá phổ biến. Khi người mua hàng trả góp đến kỳ hạn mà không trả tiền hoặc có hành vi trốn tránh nghĩa vụ trả tiền thì bị xử lý thế nào? Mời bạn cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu về vấn đề này qua bài viết sau đây nhé.
Thứ nhất, phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả[1]
– Lãi trên nợ gốc tương ứng với thời hạn vay đến hạn chưa trả.
– Lãi chậm trả theo mức lãi suất đã thoả thuận nhưng không quá 10%/năm trên số dư lãi chậm trả tương ứng thời gian chậm trả.
– Nếu tiền vay trả góp bị chuyển thành nợ quá hạn thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng thời gian chậm trả với mức lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Tóm lại, nếu đến hạn trả góp mà người vay không thực hiện việc trả nợ thì sẽ phải trả lãi chậm trả theo thoả thuận ghi trong hợp đồng vay trả góp giữa người vay và công ty tài chính.
Thứ hai, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại[2]
Trường hợp đồng vay trả góp có điều khoản về việc phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Nếu người vay quá hạn thanh toán trả góp mà không trả sẽ bị phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo thoả thuận của các bên.
Hai bên cũng có thể thoả thuận người vay chỉ bị phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc có thể không bị phạt cũng không phải bồi thường thiệt hại.
Thứ ba, bị liệt kê vào nhóm nợ xấu[3]
Khi khách hàng bị quá hạn trả nợ, công ty tài chính sẽ phân loại nợ xấu và gửi kết quả phân loại nhóm nợ của khách hàng cho Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC. Khi khách hàng có lịch sử nợ xấu thì nếu sau này muốn vay tiền ở ngân hàng hoặc ở công ty tài chính khác sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều.
Thứ tư, chịu trách nhiệm trước pháp luật
Nếu người vay đến hạn trả góp cho công ty tài chính, có đủ điều kiện nhưng cố tình không trả thì sẽ bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng[4].
Đặc biệt, nếu nặng hơn, người vay trả góp có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản[5].
Bạn đọc tham khảo: Vay tiền qua App online có bị nợ xấu?
Bạn đọc tham khảo: Cảnh báo vay “Tín dụng đen”, vay nợ qua App lãi suất cắt cổ
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Người vay quá hạn trả góp xử lý thế nào?”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 13.4 Thông tư 39/2016/TT-NHNN
[2] Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN
[3] Thông tư 11/2021/TT-NHNN
[4] Điều 15.1.(c) Nghị định 144/2021/NĐ-CP
[5] Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017