Hầu hết các cặp đôi, đa phần giới trẻ ngày nay khi yêu nhau, họ đều có mong muốn sống gần với một nửa kia để tiện bề quan tâm, chăm sóc, yêu thương. Cũng chính vì lý do đó mà các cặp đôi khi yêu nhau đã không ngần ngại dọn về sống thử, ở chung với nhau như vợ chồng, rồi sinh con đẻ cái mà không đăng ký kết hôn, bất chấp dư luận. Nhưng sẽ ra sao và phải xử lý như thế nào khi tình cảm đôi bên không còn mặn nồng, mâu thuẫn phát sinh vì những điều vụn vặt, một trong hai người muốn kết thúc mối quan hệ “vợ tạm, chồng hờ” với người mình từng bán sống, bán chết và yêu thương trong những tháng ngày còn sâu đậm. Con chung của hai người ai sẽ là người có trách nhiệm nghĩa vụ nuôi con khi không đăng ký kết hôn, quyền lợi của người phụ nữ có bị ảnh hưởng? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các câu hỏi trên.
Mặc dù không đăng ký kết hôn và không phát sinh nghĩa vụ vợ chồng, nhưng khi đã có con chung không phân biệt là trong hay ngoài gia thú, cả hai người đều phải có trách nhiệm nuôi dưỡng và chăm sóc con chung. Một phần hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm làm cha mẹ đối với con cái, phần còn lại là tuân thủ đúng quy định pháp luật.
1.Trách nhiệm và quyền nuôi con khi không đăng ký kết hôn:
1.1 Trách nhiệm đăng ký khai sinh và thủ tục nhận cha hoặc mẹ cho con
Kể từ ngày sinh con 60 ngày, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con theo quy định pháp luật hộ tịch.Việc cha mẹ không đăng ký kết hôn không ảnh hưởng gì đến việc đăng ký khai sinh cho con, tuy nhiên nếu chưa đăng ký kết hôn thì cán bộ hộ tịch sẽ bỏ trống và không ghi thông tin cha hoặc mẹ.
Do vậy để con cái có thông tin 1 trong hai người cha/mẹ trên mặt pháp luật, người cha/mẹ cần làm thủ tục nhận cha/mẹ của con bằng cách nộp tờ khai theo mẫu quy định, các giấy tờ liên quan chứng minh quan hệ cha/mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch và khi đăng ký nhận cha/mẹ con các bên phải có mặt. [1]
1.2 Quyền nuôi con
Pháp luật hôn nhân gia đình ghi nhận con cái sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ,cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với con cái của mình[2] .Pháp luật ghi nhận như thế nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho trẻ em khi sinh ra đời được hưởng các quyền như bao đứa trẻ khác: quyền được sống, quyền được học hành, quyền được cha mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng và các quyền liên quan khác.
Tuy nhiên trong từng trường hợp khác nhau, thì pháp luật có những quy định riêng để đảm bảo quyền lợi của người nuôi dưỡng lẫn trẻ em:
- Trong trường hợp con chung dưới 36 tháng tuổi [3]
Quyền nuôi con được ưu tiên cho người mẹ nuôi, điều này áp dụng theo quy định tại Luật hôn nhân gia đình, trừ trường hợp người mẹ không đủ khả năng trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục thì cha mẹ có thể thỏa thuận với nhau để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho con và lúc này người cha có nghĩa vụ đối với con.
- Trường hợp con chung trên 36 tháng tuổi [4]
Quyền nuôi con sẽ do hai bên cha mẹ thỏa thuận, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên sao cho thỏa thuận đó hợp tình hợp lý và đảm bảo được quyền và lợi ích của đứa trẻ. Nếu hai bên có tranh chấp về quyền nuôi con thì có thể yêu cầu Tòa án sẽ giải quyết, lưu ý trong trường hợp này thì một trong hai bên phải chứng minh mối quan hệ huyết thống của mình đối với con cái để Tòa án có căn cứ xem xét và giải quyết.
- Trường hợp con chung trên 7 tuổi [5]
Đối với trường hợp này hai bên sẽ cha mẹ thỏa thuận, trường hợp không thể thỏa thuận được thì nhờ Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của đứa trẻ, muốn sống và ở với ai để từ đó giải quyết quyền nuôi con thuộc về ai.
- Nghĩa vụ cấp dưỡng:
Ngoài ra, sau khi chấm dứt mối quan hệ, người cha hoặc người mẹ còn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của mình khi người còn lại không chấp nhận là người nuôi đứa trẻ. Như đã đề cập ở trên khi đã sinh con ra đời, cha mẹ phải có trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với con cái theo quy định pháp luật hôn nhân gia đình dù không đăng ký kết hôn.
Cụ thể, cha mẹ có nghĩa vụ cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.[6]
2.1 Điều kiện yêu cầu cấp dưỡng
Điều kiện để một trong hai bên cha hoặc mẹ có yêu cầu bên còn lại cấp dưỡng cho con, trước tiên phải thực hiện thủ tục xác định cha hoặc mẹ cho con. Trong trường hợp không xảy ra tranh chấp thì thực hiện thủ tục xác định này tại Cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền. Còn xảy ra tranh chấp hoặc người được yêu cầu hoặc người yêu cầu chết thì Tòa án là nơi có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con.[7]
2.2 Mức cấp dưỡng
Về mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận, trong trường hợp không thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Đến thời điểm hiện tại thì chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về mức cấp dưỡng là bao nhiêu. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hôn nhân gia đình ghi nhận mức cấp dưỡng thông thường Tòa sẽ căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cấp dưỡng và nhu cầu của người có yêu cầu cấp dưỡng. [8]
- Chế tài đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ cấp dưỡng sau đây:[9]
- Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;
- Cha,mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng;
- Bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm, chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về nghĩa vụ nuôi con khi không đăng ký kết hôn.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 25 Luật Hộ tịch 2014.
[2] Điều 68.2 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[3] Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[4] Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[5] Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[6] Điều 110 Luật Hôn nhân gia đình 2014
[7] Điều 101 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[8] Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
[9] Điều 22.1 Nghị định 144/2013/NĐ-CP.