Nghỉ hưởng lương hưu sớm khi bị suy giảm khả năng lao động
Nghỉ hưởng lương hưu sớm khi bị suy giảm khả năng lao động
Ngày nay có rất nhiều người lao động có tham gia BHXH bắt buộc muốn nghỉ hưu sớm vì nhiều lý do, trong số đó là do qua quá trình làm việc người lao động bị mắc các bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động mà từ đó dẫn tới suy giảm khả năng lao động. Khiến người lao động không thể tiếp tục làm việc và chính vì thế họ có ý định nghỉ hưu sớm so với tuổi được quy định nghỉ hưu. Vậy với trường hợp nghỉ hưu do bị suy giảm chức năng lao động thì người lao động cần phải đảm bảo những điều kiện gì? Và mức hưởng là bao nhiêu? Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc vấn đề trên.
- Điều kiện hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động[1]
Thứ nhất, người lao động mà làm việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên
Thứ hai, suy giảm khả năng lao động mà thuộc một trong các trường hợp sau:
Lao động nam | Lao động nữ | ||||
Từ 61%-81%[2] | Từ 81%[3] trở lên | Từ 61% – 81% | Từ 81% trở lên | Từ 61% trở lên | |
2020 | 55 tuổi | 50 tuổi | 50 tuổi | 45 tuổi | Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm[4] |
2021 | 55 tuổi 03 tháng | 50 tuổi 03 tháng | 50 tuổi 04 tháng | 45 tuổi 04 tháng | |
2022 | 55 tuổi 06 tháng | 50 tuổi 06 tháng | 50 tuổi 08 tháng | 45 tuổi 08 tháng | |
2023 | 55 tuổi 09 tháng | 50 tuổi 09 tháng | 51 tuổi | 46 tuổi | |
2024 | 56 tuổi | 51 tuổi | 51 tuổi 04 tháng | 46 tuổi 04 tháng | |
2025 | 56 tuổi 03 tháng | 51 tuổi 03 tháng | 51 tuổi 08 tháng | 46 tuổi 08 tháng | |
2026 | 56 tuổi 06 tháng | 51 tuổi 06 tháng | 52 tuổi | 47 tuổi | |
2027 | 56 tuổi 09 tháng | 51 tuổi 09 tháng | 52 tuổi 04 tháng | 47 tuổi 04 tháng | |
2028 trở đi | 57 tuổi | 52 tuổi | 52 tuổi 08 tháng | 47 tuổi 08 tháng | |
2029 | 53 tuổi | 48 tuổi | |||
2030 | 53 tuổi 04 tháng | 48 tuổi 04 tháng | |||
2031 | 53 tuổi 08 tháng | 48 tuổi 08 tháng | |||
2032 | 54 tuổi | 49 tuổi | |||
2033 | 54 tuổi 04 tháng | 49 tuổi 04 tháng | |||
2034 | 54 tuổi 08 tháng | 49 tuổi 08 tháng | |||
2035 trở đi | 55 tuổi | 50 tuổi |
Do vậy, dựa theo bảng trên, bạn đọc có hiểu rằng độ tuổi cố định cho đối với lao động nam do suy giảm khả năng lao động là từ năm 2028 trở đi là 57 tuổi (tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 61-81%) và 52 tuổi (với tỷ lệ từ 81%).
Còn lao động nữ do suy giảm khả năng lao động thì độ tuổi cố định từ năm 2035 trở đi là 55 tuổi (tỷ lệ 61-81%) và 50 tuổi (tỷ lệ từ 81%).
- Mức hưởng
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động đáp ứng các điều kiện đã quy định thì có mức hưởng lương hưu hằng tháng như đối với người lao động không bị suy giảm khả năng lao động[5]. Tuy nhiên, với trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi thì sẽ bị giảm tỷ lệ hưởng lương hưu, đó là cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi thì mức hưởng lương hưu giảm 2%.[6] Trong các trường hợp sau:
– Nếu làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi đối với nam là đủ 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.
– Nếu làm công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc tại nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi đối với nam là đủ 55 tuổi và nữa là đủ 50 tuổi.
– Nếu làm công việc khai thác than trong hầm lò thì lấy mốc tuổi cho cả nam và nữ là đủ 50 tuổi
– Nếu hồ sơ của người lao động mà không xác định được ngày tháng sinh thì lấy ngày 01/01 để tính.
Bên cạnh đó, trong trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ, mà từ 06 tháng trở xuống thì mức giảm là 1%. Nếu từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi.
* Vậy mức hưởng lương hưu cụ thể với người lao động được tính như thế nào?
– Trước ngày 01/01/2018, (1)
Mức lương hằng tháng = 45% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH[7] |
Mức trên tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ (nhưng mức tối đa là 75%)
– Sau ngày 01/01/2018, (2)
Mức lương hằng tháng = 45% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
Ngoài ra, mức 45% trên phải tương ứng với số năm đóng BHXH (từ 01/01/2018) như sau:[8]
Thời gian nghỉ hưu | Số năm tương ứng | |
Lao động nam | Năm 2018 | 16 năm |
Năm 2019 | 17 năm | |
Năm 2020 | 18 năm | |
Năm 2021 | 19 năm | |
Năm 2022 | 20 năm | |
Lao động nữ | Từ năm 2018 trở đi | 15 năm |
Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì người lao động sẽ được tính thêm 2% (nhưng mức tối đa là 75%).
Ví dụ:
Bà A 53 tuổi 01 tháng, là người làm việc trong điều kiện bình thường, bị suy giảm khả năng lao động 61%, bà có 28 năm đóng BHXH, nghỉ hưu vào tháng 01/2019 thì tỷ lệ hưởng lương hưu của bà được tính như sau:
Vì nghỉ hưu vào tháng 01/2019 nên áp dụng mục (2):
– 17 năm đầu đóng BHXH tính vào 45%
– Từ năm thứ 18 đến năm thứ 28 là 11 năm, tính thêm 11 x 2% = 22%
– Có tổng tỷ lệ như sau: 45% + 22% = 67%
– Bà A nghỉ hưu vào 53 tuổi 01 tháng (nghỉ hưu trước tuổi 55 là 1 năm 11 tháng) nên tỷ lệ giảm trừ là 2% + 1% = 3% (2% là do giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi, 1% là tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ dưới 06 tháng)
Như vậy, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của bà A là 67% – 3% = 64%.
Lưu ý: Nếu người lao động có tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn 75% (25 năm) thì sẽ được hưởng thêm trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.[9]
Theo đó, sẽ được hưởng trợ cấp sẽ bằng:
Số năm cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75% x 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH |
- Thời điểm hưởng
Thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm lao động được tính từ ngày 01 tháng liền kề sau tháng mà đã có kết luận bị suy giảm lao động.[10]
Ví dụ: Ông A đã đáp ứng đủ điều kiện về hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, ngày 10/10/2020 ông A đã được Hội đồng Giám định y khoa kết luận là bị suy giảm khả năng lao động là 61%. Do đó, thời điểm để đủ điều kiện hưởng là ngày 01/11/2020. Đây sẽ là căn cứ để tính mức hưởng lương hưu cho ông A.
- Hồ sơ yêu cầu
Việc nộp hồ sơ yêu cầu hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động sẽ doanh nghiệp nơi người lao động làm việc nộp tại Cơ quan bảo hiểm xã hội. Vì đây là trách nhiệm của người sử dụng lao động.[11]
Người lao động chuẩn bị hồ sơ như sau:[12]
– Sổ bảo hiểm xã hội;
– Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí/văn bản chấm dứt HĐLĐ hưởng chế độ hưu trí;
– Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.
Thời gian giải quyết là 30 ngày kể từ lúc nộp hồ sơ.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 219.1.b Bộ luật Lao động 2019, Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
[2] Tuổi phải thấp hơn tối đa 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.(Điều 55.1.a Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điều 219.1.b BLLĐ 2019) và cũng áp dụng tương tự với lao động nữ
[3] Tuổi phải thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.(Điều 55.1.b Luật BHXH 2014 được sửa đổi bởi Điều 219.1.b BLLĐ 2019) và cũng áp dụng tương tự với lao động nữ
[4] Thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế ban hành
[5] Điều 56.1, 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[6] Điều 56.3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[7] Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH sẽ tùy thuộc vào việc người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước hay người sử dụng lao động quyết định.(Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Điều 9 Nghị định 155/2015)
[8] Điều 56.2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[9] Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2015
[10] Điều 18.3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
[11] Điều 110.1 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[12] Điều 108 Luật Bảo hiểm xã hội 2014