Mức hưởng BHYT mới khi đi khám, chữa bệnh từ ngày 1-1-2021
Mức hưởng BHYT mới khi đi khám, chữa bệnh từ ngày 1-1-2021
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách xã hội quan trọng, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị – xã hội và phát triển kinh tế – xã hội. BHYT không nhằm mục đích lợi nhuận, do nhà nước tổ chức thực hiện. Các chính sách của bảo hiểm y tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người dân tham gia. Đặc biệt, BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa.
Năm 2008, Luật BHYT ra đời, cùng với đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế năm 2014 đã trở thành hành lang pháp lý quan trọng trong việc thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với việc thực hiện chính sách tài chính y tế công thông qua BHYT.
Theo nội dung quy định. người có thẻ bảo hiểm y tế trong một số trường hợp khi đi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đúng tuyến hoặc không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo quy định. Tùy từng đối tượng và từng trường hợp cụ thể là mức thanh toán có thể khác nhau.
Tin vui cho người có thẻ BHYT rằng từ ngày 01/01/2021, khi điều trị nội trú trái tuyến tỉnh mà có thẻ BHYT thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100%; còn trường hợp tự đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị trong phạm vi cả nước.
Về nội dung chi tiết mức hưởng mức hưởng BHYT mới khi đi khám, chữa bệnh Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp bạn đọc dưới đây.
Quy định về mức hưởng BHYT khi KCB trái tuyến[1]:
Theo quy định người có thẻ BHYT khi đi điều trị nội trú trái tuyến (không đúng tuyến) được thanh toán theo mức hưởng như sau:
– Tại bệnh viện tuyến trung ương: Hưởng 40% chi phí điều trị nội trú.
– Tại bệnh viện tuyến tỉnh: Hưởng 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày 01/01/2015 đến 31/12/2020.
– Tại bệnh viện tuyến huyện: Hưởng 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ 01/01/2015 đến 31/12/2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ 01/01/2016.
– Trong phạm vi cả nước tại bệnh viện tuyến tỉnh: Từ ngày 01/01/2021, người có thẻ BHYT được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú.
Theo đó, từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng quy định cho người tham gia bảo hiểm y tế khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, đối với các đối tượng như:
– Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn
– Người tham gia bảo hiểm y tế đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo
Khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và tùy từng trường hợp mà có mức hưởng từ 80% cho đến 100% chi phí khám bệnh theo quy định.[2]
Như vậy, trường hợp điều trị ngoại trú vượt tuyến sẽ KHÔNG được hưởng mức BHYT theo quy định trên. Bàn về mức hưởng BHYT đúng tuyến các bạn có thể tham khảo tại bài viết của Luật Nghiệp Thành tại đây hoặc tham khảo trực tiếp tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Mức hưởng BHYT mới khi đi khám, chữa bệnh từ ngày 1-1-2021”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 1.15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014.
[2] Điều 1.15 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT 2014 và Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.