Một số thuật ngữ về Hụi. Xã hội Việt Nam – đặc biệt là trong giới văn phòng, tiểu thương, công nhân, nông dân – tồn tại một hình thức huy động vốn mà dân gian vẫn hay gọi là Hụi (hay ngoài Bắc gọi là Họ , Miền Trung thường gọi là Biêu, Phường) (Miền Nam gọi là “Hụi”). Việc nắm được các biệt ngữ[1] trong Hụi, là tương đối khó khăn đối với những người không (hoặc chưa từng) tiếp xúc với hình thức này.
Để giúp bạn đọc tiếp cận gần hơn với các khái niệm liên quan đến Hụi, Luật Nghiệp Thành xin chia sẻ đến bạn một số thuật ngữ có liên quan đến chủ đề này.
Một số thuật ngữ về Hụi
THUẬT NGỮ | ĐỊNH NGHĨA |
Hụi, Họ, Biêu, Phường | Là hình thức giao dịch về tài sản (thông thường và phổ biến nhất là tiền) trên cơ sở thỏa thuận giữa các thành viên của một nhóm người. Các thành viên này cùng nhau định ra các quy tắc về số người, thời gian, số tiền (hoặc tài sản khác), thể thức góp, lĩnh Hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên[2]. Căn cứ vào tính chất của Hụi, có hai loại chính là Hụi có lãi và Hụi không có lãi. Hụi có lãi bao gồm Hụi đầu thảo và Hụi hưởng hoa hồng. Căn cứ vào cơ cấu tổ chức của Hụi, có hai loại chính là Hụi có chủ Hụi, và Hụi không có chủ Hụi. Hụi có chủ Hụi bao gồm Hụi có trả tiền hoa hồng cho chủ Hụi (loại này lại bao gồm Hụi đầu thảo và Hụi trả tiền cho chủ Hụi vào mỗi lần mở Hụi), và Hụi không trả tiền Hoa hồng cho chủ Hụi. Căn cứ vào cách thức thu và giao tiền Hụi, có hai loại Hụi chính là Hụi thu và giao tiền cùng lúc (chủ Hụi và các thành viên sẽ cùng gặp mặt tại một địa điểm. Các thành viên sẽ đóng tiền Hụi, giao cho chủ Hụi kiểm tra. Chủ Hụi sẽ giao tiền cho người được lĩnh ngay tại địa điểm đó); và Hụi thu và giao tiền không cùng lúc (các thành viên không phải đóng Hụi cùng lúc). |
Dây Hụi | Hiểu đơn giản, dây Hụi là tập hợp một nhóm người xác định của một Hụi. Những người này tham gia lập ra Hụi, và thỏa thuận với nhau các điều kiện về: thời gian, phần Hụi, thể thức góp Hụi, lĩnh Hụi, quyền, nghĩa vụ của chủ Hụi (nếu có) và các thành viên[3]. |
Thành viên/Con Hụi | Là những người tham gia dây Hụi[4]. |
Chơi Hụi | Là việc tham gia vào một (hoặc nhiều) dây Hụi. |
Hốt/Lĩnh Hụi | Là việc con Hụi (hoặc chủ Hụi) nhận số tiền (hoặc tài sản khác) mà chủ Hụi thu được vào kỳ mở Hụi. |
Mãn Hụi | Là thời điểm mà thành viên cuối cùng của dây Hụi nhận Hụi. |
Chủ Hụi | Là người tổ chức, quản lý dây Hụi, thu các phần Hụi và giao các phần Hụi đó cho thành viên được hốt Hụi trong mỗi kỳ mở Hụi cho tới khi mãn Hụi. Chủ Hụi có thể đồng thời là thành viên của dây Hụi[5]. Nếu đồng thời là thành viên, và không có thỏa thuận khác, chủ Hụi sẽ được hốt Hụi ngay kỳ mở Hụi đầu tiên và không phải trả lãi cho các con Hụi[6]. Một dây Hụi không nhất thiết phải có chủ Hụi. |
Gom Hụi | Là việc các phần Hụi được tập hợp lại bởi chủ Hụi hoặc các con Hụi. |
Kỳ mở Hụi | Là thời điểm được các thành viên của Hụi thỏa thuận định ra, theo đó các thành viên phải góp phần Hụi, và sẽ có (một)[7] con Hụi được lĩnh Hụi[8]. |
Phần Hụi/Chân Hụi | Là số tiền (hoặc tài sản khác) theo thỏa thuận mà mỗi con Hụi phải góp cho chủ Hụi khi đến kỳ mở Hụi[9] (Sau đây gọi chung là tiền). Một thành viên có thể có nhiều phần Hụi trong dây Hụi. Số phần Hụi sẽ tương ứng với số lần được hốt Hụi. |
Hụi ma | Là việc chủ Hụi dựng các phần Hụi gỉa trong dây Hụi. Chẳng hạn, A là chủ của dây Hụi có lãi gồm 24 con Hụi, tiền đóng Hụi là 5.000.000 đồng, mở Hụi vào cuối tháng, ai trả lãi cao nhất sẽ được hốt Hụi. Tuy nhiên thực tế chỉ có 07 con Hụi là thực, 17 con Hụi kia là do A tự mình bịa ra. Mỗi khi đến kỳ mở Hụi, A lấy lý do là có người trả số tiền cao hơn để hốt hụi để ngăn các con Hụi thật hốt Hụi. |
Sổ Hụi | Là sổ do chủ Hụi lập và chịu trách nhiệm bảo quản (trừ trường hợp có thỏa thuận khác giữa chủ Hụi và các thành viện, hoặc trường hợp dây Hụi không có chủ Hụi thì các thành viên sẽ thỏa thuận và chọn ra người giữ sổ Hụi). Sổ Hụi sẽ ghi các thông tin của chủ Hụi, thành viên; phần Hụi; thời gian diễn ra dây Hụi; kỳ Hụi; thể thức và ngày góp/lĩnh Hụi; số tiền đã góp Hụi của từng thành viên; số tiền đã lĩnh Hụi của thành viên lĩnh Hụi, chữ ký hoặc điểm chỉ của thành viên khi góp Hụi và lĩnh Hụi[10]… |
Đóng/Góp Hụi | Là việc thành viên của dây Hụi góp phần Hụi của mình khi đến kỳ mở Hụi. |
Vỡ/Bể/Giật/Úp Hụi | Là việc chủ Hụi (hoặc người thừa kế hợp pháp của chủ Hụi) không có khả năng chi trả cho người được lĩnh Hụi khi đến kì lĩnh Hụi; chủ Hụi bỏ trốn, mất tích, lừa đảo chiếm đoạt tiền Hụi; hoặc các trường hợp khác mà dẫn đến hậu quả là các thành viên của dây Hụi không thể lĩnh Hụi như thỏa thuận. |
Đình Hụi | Là việc chấm dứt dây Hụi theo thoả thuận của những người tham gia dây hụi; khi mục đích tham gia dây hụi của các thành viên đã đạt được; hoặc theo các trường hợp khác theo quy định của pháp luật. |
Mãn Hụi | Là thời điểm sau khi con Hụi cuối cùng hốt Hụi, dẫn đến hệ quả là dây Hụi kết thúc. |
Lãi/Lãi suất | Xuất hiện trong Hụi có lãi. Là số tiền mà thành viên của Hụi có lãi đưa ra để giành quyền ưu tiên nhận Hụi. Tùy theo thõa thuận mà lãi suất được đưa ra này được tính bằng một, hoặc tổng các phần khấu trừ cho các con Hụi khác. Hiểu đơn giản, đây là số tiền mà các thành viên khác sẽ được khấu trừ đi so với phần Hụi phải đóng theo thỏa thuận. Cần phân biệt lãi suất này với lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần Hụi. |
Lãi suất trong trường hợp chậm góp, chậm giao phần Hụi | Là lãi suất mà chủ Hụi phải trả do không giao hoặc giao không đầy đủ các phần Hụi cho thành viên được lĩnh Hụi; hoặc con Hụi phải trả do chậm đóng phần Hụi. |
Hụi có lãi | Là Hụi mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia Hụi, thành viên được hốt Hụi nhận các phần Hụi khi đến kỳ mở Hụi và phải trả lãi cho các thành viên khác[11]. Thành viên nào đã hốt Hụi thì trong tất cả các kì mở Hụi sau đều phải đóng số tiền bằng chính phần Hụi đã thỏa thuận (hoặc bằng phần Hụi đã thỏa thuận cộng với mức lãi suất mà người này trả tại lần họ lĩnh Hụi) mà không được khấu trừ phần lãi suất được đưa ra từ các thành viên khác. |
Hụi không có lãi | Là Hụi mà thành viên được lĩnh Hụi nhận các phần Hụi khi đến kỳ mở Hụi và không phải trả lãi cho các thành viên khác[12]. |
Hụi đầu thảo | Là Hụi có lãi, mà theo sự thoả thuận giữa những các thành viên, chủ Hụi được lĩnh toàn bộ các phần Hụi trong một kỳ mở Hụi và không phải trả lãi cho các thành viên khác. Trong các kỳ mở Hụi khác, thành viên trả lãi cao nhất được hốt Hụi và phải trả lãi cho các thành viên khác. |
Hụi hưởng hoa hồng | Là Hụi mà theo sự thoả thuận giữa các thành viên, chủ Hụi có trách nhiệm thu phần Hụi của các thành viên để giao cho thành viên được hốt Hụi. Thành viên được hốt Hụi phải trả lãi cho các thành viên khác và phải trả một khoản hoa hồng cho chủ Hụi. Mức hoa hồng do các thành viên thoả thuận[13]. |
Hụi sống | Là Hụi mà con Hụi hốt sau càng nhiều kỳ mở Hụi thì càng lời. |
Hụi chết | Là Hụi mà con Hụi hốt trước, do đó trong các kỳ mở Hụi sau, thành viên này phải đóng phần Hụi cố định cho đến hết kỳ mở Hụi. |
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về một số thuật ngữ về Hụi, Họ, Biêu, Phường.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Những từ ngữ chỉ được sử dụng phổ biến trong một tập thể nhất định (thầy tu, học sinh – sinh viên, giới chơi xe phân khối lớn…).
[2] Điều 471.1 Bộ luật Dân sự 2015.
[3] Xem thêm Điều 4.1 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[4] Xem thêm Điều 4.2 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[5] Xem thêm Điều 4.3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[6] Điều 17.2.b Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[7] Thông thường sẽ là một con Hụi được lĩnh Hụi.
[8] Xem thêm Điều 4.5 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[9] Xem thêm Điều 4.4 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[10] Xem thêm Điều 8 và Điều 12 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[11] Điều 4.7 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[12] Điều 4.6 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.
[13] Điều 4.8 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.