Mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu
Hỏi:
Công ty tôi thành lập năm 2010, vì vô ý nên đã làm mất Giấy xác nhận đăng ký mẫu dấu. Luật sư cho tôi hỏi, công ty tôi phải làm thế nào? Trân trọng cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn! Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Trong quá trình hoạt động, do nhiều yếu tố chủ quan hay khách quan, công ty bạn lỡ làm mất hoặc thất lạc Giấy chứng nhận mẫu dấu. Công ty bạn thành lập năm 2010, tức trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà bị mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì chỉ cần thông báo việc mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.[1]
Nếu không thông báo ngay cho cơ quan Công an về việc mất hoặc hư hỏng Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu trong thời hạn luật định thì khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra hoặc khi bạn nộp hồ sơ xin hủy con dấu công ty bạn có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng [2]. Trường hợp công ty bạn giải thể mà bị mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu thì không phải thi hành quyết định phạt tiền [3].
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 thì thay vì đăng ký con dấu với cơ quan Công an, doanh nghiệp chỉ cần khắc con dấu. Bên cạnh đó, cũng không cần phải nộp thông báo sử dụng mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà có thể sử dụng ngay lập tức.[4]
Như vậy, công ty bạn chỉ cần thông báo việc làm mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu cho cơ quan công an nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, trường hợp bạn muốn sử dụng mẫu dấu cũ của Công an thì sẽ được cấp lại. Nếu bạn không muốn sử dụng mẫu dấu cũ thì có thể khắc dấu mới theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
* Lưu ý: Tuy nhiên với các loại hình Công ty chứng khoán thành lập theo Luật Chứng khoán; Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập theo Luật Hợp tác xã; Văn phòng công chứng, Văn phòng luật sư, Công ty luật thành lập theo Luật Công chứng, Luật Luật sư; Các công ty bảo hiểm được thành lập theo Luật kinh doanh bảo hiểm, v.v.. [5] nếu mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu thì thông báo mất và sau đó sẽ được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu để tiếp tục sử dụng dấu của Công an.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề mất Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Thị Mỹ Thắm
Ngày cập nhật, bổ sung: 03.02.2021
Người bổ sung: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận .
[1] Điều 15.3 Nghị định 96/2015/NĐ-CP.
[2] Điều 4.2, Điều 12.1 Nghị định 167/2013/NĐ-CP
[3] Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
[4] Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020
[5] Điều 3.14 Nghị định 99/2016/NĐ-CP
cho em hỏi, công ty em có đăng ký kinh doanh ngày 21 tháng 12 năm 2011, hiện tại do quá trình đổi văn phòng mà bị mất giây xác nhận mẫu dấu. Giờ công ty em muốn xin cấp lại dấu xác nhận mẫu dấu thì cần có thủ tục như thế nào ạ? Công ty em là lĩnh vực xây dựng ạ
Chào bạn, dựa trên câu hỏi của bạn Luật Nghiệp Thành xin được trả lời như sau:
Doanh nghiệp sẽ phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu tại Cơ quan Công an (Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội) nơi doanh nghiệp đã đăng ký mẫu dấu. (Điều 24.10 Nghị định 99/2016)
Thủ tục như sau:
1. Văn bản đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu (có nêu rõ lý do, trong trường hợp của bạn là bị mất) có ký tên của ĐDPL của công ty.
2. Bản sao y giấy CNĐKKD của doanh nghiệp
3. Giấy ủy quyền/Giấy giới thiệu (trường hợp ủy quyền/giới thiệu cho người khác nộp hs mà không phải ĐDPL) + CMND/CCCD của người được ủy quyền nộp hồ sơ
4. Con dấu công ty (phòng trường hợp cơ quan công an yêu cầu)
Lưu ý: Giấy ủy quyền của công an phải điền đầy đủ thông tin có sẵn của hai bên và phải đóng dấu công ty.
Khi nộp hồ sơ, cơ quan công an sẽ cấp cho bạn Giấy biên nhận và ghi ngày trả kết quả.
Doanh nghiệp nên lưu ý thông báo với cơ quan công an ngay khi mất giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu bằng cách yêu cầu cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu nếu không sẽ bị phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng. (Điều 12 Nghị định 167/2013)