Lập di chúc giả, xử phạt thế nào?
Việc để lại di chúc định đoạt tài sản trước khi chết diễn ra nhiều và phổ biến hiện nay. Tuy nhiên không phải di chúc nào cũng được công nhận là hợp pháp, đặc biệt là trường hợp người thừa kế lợi dụng quy định này để làm giả di chúc nhằm mục đích chiếm đoạt phần tài sản. Vậy đối với hành vi này thì sẽ áp dụng hình phạt nào? Mời bạn cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu rõ về vấn đề này nhé.
Người lập di chúc có quyền chỉ định cũng như truất quyền hưởng di sản của người thừa kế và phân phần di sản thừa kế cho từng người thừa kế[1].
Theo đó, ngoài các trường hợp được hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc thì tất cả các trường hợp khác đều hưởng di sản theo ý chí và nguyện vọng của người lập di chúc.
Khi lập di chúc, người để lại di sản cũng phải sáng suốt, minh mẫn, không bị lừa dối, đe doạ hay cưỡng ép khi đưa ra ý định lập di chúc. Bởi vậy, việc làm giả di chúc hay giả mạo chữ ký của người lập di chúc là hành vi vi phạm pháp luật.
Người có hành vi làm giả di chúc có thể chịu các hình thức xử phạt sau:
Thứ nhất, không được quyền hưởng di sản theo pháp luật Dân sự.
Nếu giả mạo di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản thì sẽ không được quyền hưởng di sản[2].
Tuy nhiên, nếu người để lại di chúc biết về hành vi của người làm giả di chúc nhưng trong di chúc hợp pháp của mình vẫn cho họ hưởng di sản thì người làm giả di chúc vẫn được hưởng di sản thừa kế.
Thứ hai, xử phạt hành chính.
Có thể coi việc giả mạo di chúc của người khác là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người đó. Do đó, với hành vi này thì người giả mạo di chúc có thể bị phạt tiền từ 02 – 03 triệu đồng[3].
Thứ ba, xử phạt hình sự.
Hành vi làm giả di chúc đồng nghĩa người này làm giả chữ ký của người lập di chúc và làm giả cả dấu của tổ chức hành nghề công chứng hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã (nếu di chúc có công chứng hoặc chứng thực).
Theo đó, nếu làm giả di chúc trong trường hợp này, người làm giả có thể bị xử lý Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Khung hình phạt đối với Tội danh này như sau[4]:
– Phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
– Phạt tù từ 02 – 05 năm: nếu lập di chúc giả có tổ chức; phạm tội từ 02 lần trở lên; sử dụng con dấu để phạm tội ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 – dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
– Phạt tù từ 03 – 07 năm: Thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc sử dụng để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
– Người có hành vi lập di chúc giả còn có thể bị phạt tiền từ 05 – 50 triệu đồng.
Bạn đọc tham khảo: Các nguyên nhân thường gặp khiến di chúc vô hiệu
Bạn đọc tham khảo: Thủ tục hủy bỏ di chúc
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Lập di chúc giả, xử phạt thế nào?”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015
[2] Điều 621.1.(d) Bộ luật Dân sự 2015
[3] Điều 15.1.(c) Nghị định 144/2021/NĐ-CP
[4] Điều 1.126 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017