Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động
Ngày 20 tháng 11 năm 2019 Quốc Hội đã ban hành Bộ luật Lao động 2019, Bộ luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Nội dung các quy định trong Bộ luật mới có nhiều cập nhật, thay đổi so với Bộ luật lao động 2012. Trong những nội dung mới, thì quy định về tăng tuổi nghỉ hưu có lẽ đang thu hút nhiều sự quan tâm của người lao động. Bởi lẽ tuổi nghỉ hưu được xem là một vấn đề quan trọng không chỉ có tác động đến kinh tế – xã hội sâu sắc, mà đối với người lao động sau nhiều năm làm việc và cống hiến công sức của mình cho đơn vị công tác thì thời gian nghỉ hưu và hưởng lương hưu là một trong những vấn đề mà họ quan tâm. Theo tờ trình Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi thì những nguyên nhân chính dẫn đến thay đổi trên là do (1) Bảo đảm cân đối Quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn; (2) Tuổi thọ trung bình cao; (3) Dân số nước ta đang già hóa; (4) Kinh nghiệm các nước đang điều chỉnh tăng tuổi hưu để ứng phó với xu hướng già hóa dân số và thiếu hụt lao động, có nước lên tới 67 tuổi.[1]
Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp bạn đọc một số thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề trên.
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu.
Thay vì độ tuổi nghỉ hưu của người lao động theo quy định là nam khi đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi thì từ ngày 01/01/2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình, cho đến khi đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Cụ thể, bắt đầu kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ. [2]
So với hiện nay theo Bộ luật Lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động đã tăng lên đáng kể; đồng thời, với những công việc đặc thù thì việc nghỉ hưu trước tuổi cũng được quy định rõ ràng hơn. Cụ thể, trong nội dung Bộ luật lao động mới nêu rõ tùy trường hợp mà người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Những người trong diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động. [3]
Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động, song không quá 5 tuổi so với quy định. [4]
Bên cạnh đó, Bộ Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 về một số quy định liên quan đến lương hưu của người lao động cho phù hợp với sự thay đổi về độ tuổi nghỉ hưu như các điều kiện hưởng lương hưu, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.[5]
Ngoài ra, ngày 18 tháng 11 năm 2020 chính phủ cũng ban hành nghị định số 135/2020/NĐ-CP, Nhị định này sẽ có hiệu lực vào ngày 01/01/2021 cùng với ngày Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực. Thông qua nghị định này lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động được thể hiện như sau:
* Lộ trình tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường (không về hưu sớm, không kéo dài tuổi nghỉ hưu)[6]:
Lao động nam | Lao động nữ | ||
Tuổi nghỉ hưu | Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu | |
60 tuổi 3 tháng | 2021 | 55 tuổi 4 tháng | |
60 tuổi 6 tháng | 2022 | 55 tuổi 8 tháng | |
60 tuổi 9 tháng | 2023 | 56 tuổi | |
61 tuổi | 2024 | 56 tuỗi 4 tháng | |
61 tuổi 3 tháng | 2025 | 56 tuổi 8 tháng | |
61 tuổi 6 tháng | 2026 | 57 tuổi | |
61 tuổi 9 tháng | 2027 | 57 tuổi 4 tháng | |
62 tuổi | 2028 | 57 tuổi 8 tháng | |
62 tuổi | 2029 | 58 tuổi | |
62 tuổi | 2030 | 58 tuổi 4 tháng | |
62 tuổi | 2031 | 58 tuổi 8 tháng | |
62 tuổi | 2032 | 59 tuổi | |
62 tuổi | 2033 | 59 tuổi 4 tháng | |
62 tuổi | 2034 | 59 tuổi 8 tháng | |
62 tuổi | Từ năm 2035 trở đi | 60 tuổi | |
* Lộ trình tuổi nghỉ hưu trường hợp về hưu sớm (Đối với trường hợp người lao động thuộc diện có thể nghỉ ở tuổi thấp hơn quy định nhưng không quá 05 năm)[7]:
Lao động nam | Lao động nữ | ||
Tuổi nghỉ hưu thấp nhất | Năm nghỉ hưu | Tuổi nghỉ hưu thấp nhất | |
55 tuổi 3 tháng | 2021 | 50 tuổi 4 tháng | |
55 tuổi 6 tháng | 2022 | 50 tuổi 8 tháng | |
55 tuổi 9 tháng | 2023 | 51 tuổi | |
56 tuổi | 2024 | 51 tuỗi 4 tháng | |
56 tuổi 3 tháng | 2025 | 51 tuổi 8 tháng | |
56 tuổi 6 tháng | 2026 | 52 tuổi | |
56 tuổi 9 tháng | 2027 | 52 tuổi 4 tháng | |
57 tuổi | 2028 | 52 tuổi 8 tháng | |
57 tuổi | 2029 | 53 tuổi | |
57 tuổi | 2030 | 53 tuổi 4 tháng | |
57 tuổi | 2031 | 53 tuổi 8 tháng | |
57 tuổi | 2032 | 54 tuổi | |
57 tuổi | 2033 | 54 tuổi 4 tháng | |
57 tuổi | 2034 | 54 tuổi 8 tháng | |
57 tuổi | Từ năm 2035 trở đi | 55 tuổi | |
Việc đối chiếu tháng sinh năm sinh của người lao dộng tương ứng với tuổi nghỉ hưu quy định và lộ trình kéo dài thời gian nghỉ hưu bạn đọc có thể tham khảo thêm chi tiết tại Nghị định 135/2020/NĐ-CP. Và các phục lục đính kèm nghị định.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
2] Điều 187 Bộ luật lao động 2012 và Điều 169 Bộ luật lao động 2019.
[3] Điều 169.3 Bộ luật Lao động 2019.
[4] Điều 169.4 Bộ luật Lao động 2019.
[5] Điều 219.1 Bộ luật Lao động 2019.
[6] Điều 4 nghị định 135/2020/NĐ-CP.
[7] [7] Điều 5 nghị định 135/2020/NĐ-CP.