Lưu ý khi tuyển dụng lao động vào làm việc

Lưu ý khi tuyển dụng lao động vào làm việc

Những lưu ý khi tuyển dụng lao động vào làm việc trong Doanh nghiệp

Để có thể tìm kiếm và bổ sung lực lượng lao động cần thiết nhằm thực hiện mục đích của Doanh nghiệp. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) thường tiến hành các hoạt động tuyển dụng. Tuyển dụng là một quá trình sàng lọc và lựa chọn những người có đủ khả năng để đáp ứng được công việc cụ thể. Việc tuyển dụng có thể được tiến hành trực tiếp tại Doanh nghiệp hoặc có thể thông qua các tổ chức, trung tâm giới thiệu việc làm, qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo đài, ti vi, mạng xã hội[1].

Một quy trình tuyển dụng từ đăng thông báo; xem lý lịch của ứng viên; gửi thư mời phỏng vấn, chuẩn bị câu hỏi phỏng vấn; đưa ra quyết định sẽ ký hết Hợp đồng lao động (HĐLĐ) hay Hợp đồng thử việc cần lưu ý một số điểm quan trọng sau đây:

Không phân biệt đối xử trong tuyển dụng

Xuyên suốt quá trình tuyển dụng, NSDLĐ không được phân biệt về giới tính, dân tộc, màu da, tôn giáo, tín ngưỡng,…của Người lao động (NLĐ)[2]. Điều này góp phần tạo ra sự công bằng cho mọi người, hạn chế tình trạng phân biệt đối xử trong lao động cũng như tránh bỏ sót người tài.

Nếu NSDLĐ có hành vi phân biệt đối xử giới tính, dân tộc, màu da,…trong tuyển dụng lao động mà bị khiếu nại thì có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu là cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức vi phạm trong trường hợp này sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng[3].

Các bạn có thể tham khảo bài viết của chúng tôi về vấn đề này tại: Phân biệt đối xử khi tuyển dụng lao động.

Xem xét độ tuổi của NLĐ có phù hợp với công việc đang tuyển dụng không?

Mỗi độ tuổi nhất định sẽ có mức độ phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần khác nhau. Do đó, việc xác định độ tuổi NLĐ là vô cùng quan trọng nhằm bố trí NLĐ vào những công việc phù hợp về tâm sinh lý và thể chất của họ:

Nhóm tuổiCông việc được phép thực hiện
Người chưa đủ 13 tuổi[4]Được làm các công việc liên quan đến nghệ thuật, thể dục, thể thao[5] như: Múa, hát, xiếc, chơi thể dục dụng cụ, bơi lội,…[6]

Lưu ý: Các công việc này không được làm ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ và thể lực của NLĐ.

Người từ đủ 13 tuổi – dưới 15 tuổi[7]Được làm các công việc mà người lao động dưới 13 tuổi được làm. Đồng thời, được thực hiện thêm các công việc thủ công mỹ nghệ, truyền thống như: Đan lát, nuôi tằm, dệt thổ cẩm, vẽ tranh Đông Hồ,…[8]
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi[9]Các công việc được phép thực hiện nhiều hơn 2 nhóm tuổi trên. Tuy nhiên, không được thực hiện các công việc tổn hại đến trí và lực như: Công việc phải mang vác nặng, sản xuất rượu, cồn,…[10]và không được làm việc ở dưới nước, đường hầm, tại các công trình xây dựng, cơ sở giết mổ gia súc,…[11]
Người từ đủ 18 tuổi trở lênĐược làm việc, tự do lựa chọn các công việc, nghề nghiệp, học nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp (những ngành nghề mà pháp luật không cấm) mà không bị phân biệt đối xử.

Lưu ý: Khi tuyển dụng đối với NLĐ thuộc nhóm tuổi dưới 15 tuổi cần:

+ Phải thông báo bằng văn bản về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mà cơ sở làm việc đặt trụ sở chính trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tuyển dụng vào làm việc. Dưới đây là mẫu Thông báo theo quy định:

+ Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám, chữa bệnh và xác nhận sức khỏe của NLĐ đó phù hợp với công việc. Việc tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cần phải được thực hiện ít nhất 6 tháng 1 lần[12];

Các công việc yêu cầu chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia

Đối với một số công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của NLĐ hoặc cộng đồng như: Khai khoáng; sửa chữa máy móc, thiết bị; xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng,…thì cần phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia[13].

Các công việc sử dụng lao động nữ

Không phải công việc nào lao động nữ cũng có thể thực hiện được. Bởi, có những công việc quá nặng nhọc, độc hại và có thể ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ của họ. Do đó, đối với các công việc như: Làm việc ở các giàn khoan trên biển, các công việc sơn, sửa, vệ sinh tại các công trình cao tầng, mang vác nặng trên 50kg,…[14]

Document

Các công việc sử dụng NLĐ cao tuổi

Trái ngược lại với NLĐ chưa thành niên, thì NLĐ cao tuổi là những NLĐ tiếp tục làm việc khi đã quá 60 tuổi (đối với nam) và 55 tuổi (đối với nữ)[15]. Tuy nhiên, Bộ luật Lao động mới ban hành có quy định thay đổi về độ tuổi lao động đối với nam là 60 tuổi 3 tháng; đối với nữ là 55 tuổi 4 tháng và sau đó cứ mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ[16].

Đối với NLĐ cao tuổi thì ít nhiều họ sẽ có sự giảm sút về trí, lực và sức khỏe so với nhóm NLĐ trong độ tuổi lao động. Do đó, trừ những NLĐ có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, tay nghề cao và có đầy đủ sức khỏe theo tiêu chuẩn y tế[17] thì NSDLĐ không được sử dụng lao động thuộc nhóm này vào các công việc nguy hiểm, nặng nhọc và độc hại mà có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe[18]. Chúng tôi đã có bài viết về vấn đề này tại Sử dụng người lao động cao tuổi.

Tuyển dụng NLĐ nước ngoài

So với việc tuyển dụng NLĐ Việt Nam thì điều kiện để tuyển dụng NLĐ là Người nước ngoài được quy định chặt chẽ và khắt khe hơn nhiều. Theo đó, NLĐ nước ngoài cần phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

+ Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ[19].

+ Đối với các công việc như quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật thì phải có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề làm việc và phải có sức khỏe phù hợp với công việc[20].

+ Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự [21].

+ Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp[22] như: Người kết hôn với công dân Việt Nam và lao động trên lãnh thổ Việt Nam; Luật sư được cấp Giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam,…[23]

Những thông tin mà NSDLĐ cần cung cấp cho NLĐ khi tuyển dụng?

Trước khi bắt đầu một công việc mới, NLĐ cần được biết họ sẽ làm gì, bắt đầu công việc từ khi nào và cách thức thực hiện để có thể đáp ứng được các yêu cầu, mong muốn từ phía nhà tuyển dụng. Do đó, khi đăng tin, thông báo tuyển dụng thì NSDLĐ cần cung cấp các thông tin về công việc, thời gian, địa điểm làm việc, tiền lương, các chế độ bảo hiểm và các vấn đề khác có liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà NLĐ yêu cầu[24].

NSDLĐ cần biết những gì về NLĐ?

NSDLĐ phải yêu cầu NLĐ cung cấp các thông tin về lý lịch cá nhân của họ như: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi cư trú, trình độ học vấn, kỹ năng nghề và một số vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ[25]. Ngoại trừ một số thông tin như vùng, miền, tình trạng hôn nhân,…Đồng thời, NSDLĐ không được giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của NLĐ[26]; không được yêu cầu NLĐ thực hiện các biện pháp bảo đảm bằng tiền, tài sản khác cho việc thực hiện HĐLĐ[27] hay phải lao động để trả nợ cho NSDLĐ[28].

NLĐ có quyền được làm việc và lựa chọn việc làm phù hợp với mình. Do đó, NSDLĐ không được cản trở việc NLĐ ký kết HĐLĐ với người khác, miễn là người đó đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết trong HĐLĐ cũng như cấm hay tìm cách cản trở NLĐ làm việc cho Doanh nghiệp đối thủ cùng ngành nghề với Doanh nghiệp mình[29].

Lưu ý: Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực pháp lý từ ngày 01/01/2021.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Những lưu ý khi tuyển dụng lao động vào làm việc trong Doanh nghiệp”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 11.1 Bộ luật lao động 2019

[2] Điều 8.3 Bộ luật lao động 2019

[3] Điều 1.2 Nghị định 88/2015/NĐ-CP

[4] Điều 143.4 Bộ luật lao động 2019

[5] Điều 145.3 Bộ luật lao động 2019

[6] Mục I.1 DANH MỤC CÔNG VIỆC NHẸ ĐƯỢC SỬ DỤNG NGƯỜI DƯỚI 15 TUỔI LÀM VIỆC ban hành kèm Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH.

[7] Điều 143.3 Bộ luật lao động 2019

[8] Mục II DANH MỤC CÔNG VIỆC NHẸ ĐƯỢC SỬ DỤNG NGƯỜI DƯỚI 15 TUỔI LÀM VIỆC ban hành kèm Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH.

[9] Điều 143.2 Bộ luật lao động 2019

[10] Điều 147.1 Bộ luật lao động 2019

[11] Điều 147.2 Bộ luật lao động 2019

[12] Điều 2.1.(b) Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH.

[13] DANH MỤC CÔNG VIỆC ẢNH HƯỞNG TRỰC TIẾP ĐẾN AN TOÀN VÀ SỨC KHỎE CỦA CÁ NHÂN NGƯỜI LAO ĐỘNG HOẶC CỘNG ĐỒNG PHẢI CÓ CHỨNG CHỈ KỸ NĂNG NGHỀ QUỐC GIA ban hành kèm theo Nghị định số 31/2015/NĐ-CP

[14] DANH MỤC CÔNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NỮ ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-BLĐTBXH.

[15] Điều 187.1 Bộ luật Lao động 2012

[16] Điều 169.2 Bộ luật lao động 2019

[17] Điều 11 Nghị định 45/2013/NĐ-CP

[18] Điều 149.3 Bộ luật Lao động 2019

[19] Điều 151.1.(a) Bộ luật Lao động 2019

[20] Điều 151.1.(b) Bộ luật Lao động 2019

[21] Điều 151.1.(c) Bộ luật Lao động 2019

[22] Điều 151.1.(d) Bộ luật Lao động 2019

[23] Điều 154 Bộ luật Lao động 2019

[24] Điều 16.1 Bộ luật lao động 2019

[25] Điều 16.2 Bộ luật lao động 2019

[26] Điều 17.1 Bộ luật lao động 2019

[27] Điều 17.2 Bộ luật lao động 2019

[28] Điều 17.3 Bộ luật lao động 2019

[29] Điều 19.1 Bộ luật lao động 2019

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Lao động
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*