Làm sao để đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương
Làm sao để đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương
Theo số lượng thống kê, hiện nay có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, cư ngụ và làm việc lâu dài tại nước ngoài. Không ít trường hợp có nguyện vọng, mong muốn trở về Việt Nam để đoàn tụ cùng người thân, làm việc và cống hiến cho đất nước.
Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện nay gặp bối rối và lo ngại vấn đề giấy tờ, thủ tục. Nhiều người đã rời Việt Nam từ rất lâu và không còn đảm bảo việc lưu giữ các giấy tờ Việt Nam. Tại hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào năm 2022 diễn ra ở TP.HCM, đại diện kiều bào cũng phát biểu rằng nhiều kiều bào mong muốn hồi hương nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện thủ tục hành chính, trong đó có việc đăng ký thường trú khi hồi hương. Lắng nghe ý kiến và thông qua bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ hướng dẫn thủ tục đăng ký thường trú cho kiều bào trở về Việt Nam sinh sống.
Đầu tiên, cần đảm bảo các giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam, quốc tịch Việt Nam
Để có thể đăng ký thường trú khi hồi hương, kiều bào phải đảm bảo có giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam. Theo quy định Luật Quốc tịch, kiều bào phải có một trong các loại giấy tờ sau[1]:
– Giấy khai sinh.
– Giấy chứng minh nhân dân cũ hoặc còn thời hạn.
– Hộ chiếu Việt Nam cũ hoặc còn thời hạn.
– Hoặc các quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
Đa số Kiều bào đã rời Việt Nam từ rất lâu. Có những trường hợp rời Việt Nam từ trước năm 1975. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp không còn bảo quản, lưu giữ được các loại giấy tờ gốc. Nếu rơi vào trường hợp này, Kiều bào có thể đến các cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước sở tại để xin hướng dẫn, nhờ giúp đỡ và thực hiện thủ tục xin Giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam[2] hoặc Giấy xác nhận có quốc tịch Việt Nam[3]. Giấy xác nhận nguồn gốc Việt Nam và giấy xác nhận quốc tịch Việt Nam là những loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc Việt Nam thay thế các loại giấy tờ trên bị mất hoặc thất lạc.
Thứ hai, thực hiện xin Văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú
Đây là quy định và thủ tục mà nhiều kiều bào gặp khó khăn khi mong muốn trở về Việt Nam. Theo quy định hiện nay, kiều bào còn giữ quốc tịch Việt Nam khi làm thủ tục đăng ký thường trú phải đảm bảo có Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng. Trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam thì phải có văn bản đồng ý giải quyết thường trú kèm giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam[4].
Nhiều kiều bào hiện nay đã có quốc tịch nước ngoài và sử dụng hộ chiếu nước ngoài. Do đó, đa số kiều bào khi muốn đăng ký thường trú phải thực hiện thủ tục xin văn bản đồng ý giải quyết thường trú. Thủ tục thực hiện như sau[5]:
Kiều bào chuẩn bị 01 bộ hồ sơ:
– Tờ khai đề nghị cấp văn bản đồng ý giải quyết thường trú (Mẫu CT02 mới theo Thông tư 66/2023/TT-BCA)
– Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thông hành thay thế hộ chiếu dùng để nhập cảnh Việt Nam lần gần nhất (mang theo bản gốc để đối chiếu);
– Bản sao một trong các loại giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, nguồn gốc Việt Nam như đã đề cập ở trên (mang theo bản gốc để đối chiếu).
Nơi nộp hồ sơ: Kiều bào nộp hồ sơ xin xác nhận cho giải quyết thường trú tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc tại Cục Quản lý xuất nhập Cảnh.
Thời hạn giải quyết là 40 ngày. Kiều bào sẽ được cấp văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú hoặc trường hợp từ chối sẽ nhận được văn bản từ chối và nêu rõ lý do.
Lưu ý:
– Việc xin văn bản đồng ý giải quyết thường trú chỉ áp dụng đối với kiều bào không còn sử dụng hộ chiếu Việt Nam. Một số kiều bào còn hộ chiếu Việt Nam và hộ chiếu này vẫn còn giá trị sử dụng thì không cần thực hiện xin văn bản đồng ý giải quyết thường trú mà vẫn có thể đăng ký thường trú.
– Văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú chỉ có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày cấp. Do đó, sau khi được cấp văn bản đồng ý giải quyết thường trú, kiều bào cần thực hiện thủ tục đăng ký thường trú phù hợp với thời hạn này.
Thứ ba, thực hiện đăng ký thường trú
Một trong những điều kiện quan trọng và tiên quyết khi thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho Kiều bào đó là việc Kiều bào cần chứng minh chỗ ở hợp pháp của mình tại Việt Nam[6]. Theo quy định, Kiều bào được xem là có chỗ ở hợp pháp và có thể được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp trong các trường hợp sau:
– Kiều bào có nhà, đất thuộc quyền sở hữu của mình tại Việt Nam.
– Kiều bào về ở với người thân và được người thân đồng ý cho đăng ký thường trú.
– Kiều bào đăng ký thường trú tại nơi ở do kiều bào thuê, mượn hoặc ở nhờ và được chủ sở hữu những nơi thuê, mượn, ở nhờ này cho phép đăng ký thường trú.
– Kiều bào đăng ký thường trú tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hoặc cơ sở trợ giúp xã hội.
– Kiều bào đăng ký thường trú tại các phương tiện lưu động như tàu, thuyền, …
Đối với mỗi trường hợp, Kiều bào cần đáp ứng các điều kiện riêng để được đăng ký thường trú. Sau đây, Luật Nghiệp Thành xin hướng dẫn 02 trường hợp chứng minh chỗ ở hợp pháp phổ biến nhất:
1. Kiều bào đăng ký thường trú tại nhà, đất thuộc chủ quyền của mình ở Việt Nam. Đối với trường hợp này để chứng minh chỗ ở hợp pháp, kiều bào chỉ cần đảm bảo có các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất như[7]: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa nhà đất hoặc hợp đồng mua bán nhà từ ngày xưa, …
2. Kiều bào về ở với người thân và được người thân cho phép đăng ký thường trú. Các trường hợp kiều bào trở về sống với vợ, chồng, cha, mẹ, con cái hoặc kiều bào lớn tuổi về ở với anh, chị, em ruột, … được xem là trường hợp kiều bào về ở với người thân. Để chứng minh chỗ ở hợp pháp, ngoài cung cấp giấy tờ chứng minh người thân sở hữu nhà đất tại Việt Nam thì kiều bào cần chuẩn bị giấy tờ chứng minh có quan hệ gia đình với người thân[8]. Thông thường thì giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, … sẽ là giấy tờ chứng minh mối quan hệ này. Trường hợp không có hoặc giấy tờ không chứng minh được thì kiều bào cùng người thân có thể đến Ủy ban nhân dân phường/xã xin xác nhận quan hệ nhân thân để chứng minh quan hệ gia đình.
Sau khi đã chuẩn bị đủ các loại giấy tờ về nguồn gốc Việt Nam, Văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú, giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp thì kiều bào tiến hành đăng ký thường trú[9]:
Chuẩn bị hồ sơ[10]: Kiều bào chuẩn bị 01 bộ hồ sơ gồm
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (download Mẫu CT01 mới theo Thông tư 66/2023/TT-BCA). Kiều bào nên chuẩn bị thêm Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú phòng trường hợp có yêu cầu (Theo Mẫu TT01).
– Bản sao giấy tờ chứng minh nguồn gốc, quốc tịch Việt Nam (mang theo bản chính đối chiếu).
– Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy thông hành do cơ quan nước ngoài cấp hoặc hộ chiếu Việt Nam (mang theo bản chính đối chiếu).
– Văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú (trường hợp có hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực thì không cần văn bản này).
– Giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp (Kiều bào có thể tham khảo hướng dẫn ở trên).
Nơi nộp hồ sơ: kiều bào nộp trực tiếp tại trụ sở công an cấp phường/xã. Kiều bào cũng có thể tham khảo cách nộp hồ sơ đăng ký thường trú online qua bài viết: Thủ tục đăng ký thường trú online tại nhà
Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc.
Kết quả: Kiều bào sẽ được giải quyết đăng ký thường trú và được cập nhật dữ liệu thường trú vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.
Như vậy, để hồi hương và đăng ký thường trú ở Việt Nam, Kiều bào cần đảm bảo có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, quốc tịch Việt Nam, có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện xin văn bản đồng ý giải quyết thường trú và thực hiện đăng ký thường trú. Hiện nay, Việt Nam luôn có những chính sách nhằm khuyến khích kiều bào trở về Việt Nam sinh sống, làm việc và cống hiến cho đất nước. Do đó, kiều bào khi có mong muốn trở về Việt Nam xin đừng ngần ngại, hãy liên hệ các cơ quan lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức kiều bào trong và ngoài nước để nhận được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Làm sao để đăng ký thường trú cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tiến Thành
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 11 Luật Quốc tịch 2008
[2] Điều 33 Nghị định 16/2020/NĐ-CP
[3] Điều 31 Nghị định 16/2020/NĐ-CP
[4] Điều 21.9 Luật Cư trú 2020
[5] Điều 12 Thông tư 55/2021/TT-BCA và Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06 ngày 06/07/2021
[6] Điều 20 Luật Cư trú 2020
[7] Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP
[8] Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP
[9] Quyết định 5548/QĐ-BCA-C06 ngày 06/07/2021
[10] Điều 21 Luật Cư trú 2020