Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội quan trọng, đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho người tham gia trong mọi hoàn cảnh. Theo quy định của pháp luật, khi người tham gia BHYT thay đổi nơi tạm trú hoặc lưu trú, họ vẫn được đảm bảo quyền khám chữa bệnh và hưởng 1 số quyền lợi BHYT nếu tuân thủ đúng các điều kiện và thủ tục pháp lý liên quan.
Người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở cấp chuyên sâu hoặc cơ bản, khi khám chữa bệnh không đúng nơi đăng ký do thay đổi nơi tạm trú, lưu trú, sẽ được khám tại cơ sở cấp cơ bản phù hợp với nơi tạm trú, lưu trú mới. Quỹ BHYT sẽ thanh toán theo mức hưởng quy định đối với đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh BHYT. [1] Tuy nhiên Người tham gia bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh này được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với các mức hưởng khác nhau tuỳ vào đối tượng khám chữa bệnh là ai và được quy định cụ thể tại Luật bảo hiểm.
1.Thay đổi nơi lưu trú
Để được hưởng quyền lợi BHYT khi thay đổi nơi cư trú dưới 30 ngày, người tham gia BHYT cần khai báo thông tin lưu trú và xuất trình các giấy tờ chứng minh hợp lệ khi đi khám chữa bệnh như là thông tin lưu trú đã được cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (ứng dụng VNeID). Ngoài ra tuỳ vào các trường hợp áp dụng và giấy tờ cần xuất trình tương ứng sau[2]:
Trường hợp | Giấy tờ cần xuất trình |
Đi công tác đến tỉnh khác | Văn bản cử đi công tác của cơ quan, đơn vị |
Học sinh, sinh viên đi thực tập, nghỉ lễ, Tết tại tỉnh khác | Thẻ học sinh, sinh viên hoặc giấy tờ xác nhận của cơ sở đào tạo |
Người lao động tại tỉnh khác trong thời gian nghỉ phép tại gia đình | Văn bản nghỉ phép có xác nhận của cơ quan, đơn vị quản lý |
Làm việc lưu động tại tỉnh khác | Văn bản cử đi công tác hoặc quyết định phân công nhiệm vụ làm việc lưu động của cơ quan, đơn vị quản lý |
Thăm thành viên gia đình tại tỉnh khác | Giấy tờ chứng minh quan hệ gia đình hợp pháp (như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn,…) |
2. Thay đổi nơi tạm trú
Khi thay đổi nơi tạm trú, người tham gia BHYT vẫn được khám chữa bệnh và hưởng quyền lợi BHYT nếu thực hiện đầy đủ các thủ tục sau: [3]
Ngoài các giấy tờ thông thường như: Bảo hiểm y tế, hồ sơ chuyển viện (nếu có)….Người tham gia BHYT cần xuất trình thêm một trong các giấy tờ chứng minh về việc thay đổi nơi tạm trú, bao gồm:
- Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tạm trú; hoặc
- Thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; hoặc
- Thông tin đăng ký tạm trú đã được cập nhật trên tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (ứng dụng VNeID).
Như vậy, người tham gia BHYT khi thay đổi nơi tạm trú hoặc lưu trú vẫn được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh nếu tuân thủ đúng các quy định pháp luật và xuất trình đầy đủ giấy tờ chứng minh hợp lệ. Việc nắm rõ các thủ tục cần thiết sẽ giúp người tham gia BHYT được hưởng quyền lợi tối ưu, đảm bảo chăm sóc sức khỏe kịp thời và thuận lợi trong mọi hoàn cảnh.
Luật Bảo hiểm y tế 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2025
Trên đây là nội dung tư vấn về “Khám chữa bệnh khi thay đổi nơi tạm trú, lưu trú”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Đỗ Thị Hồng Giao
Người duyệt: Nguyễn Linh Chi
[1] Điều 1.17 Luật Bảo hiểm y tế 2024
[2] Điều 4 Thông tư 01/2025/TT-BYT
[3] Điều 4.4 Thông tư 01/2025/TT-BYT