Giấy phép và phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải
Hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy phép và phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải
Các hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc sử dụng xe ô tô để vận tải hàng hóa, hành khách nhằm mục đích thu lợi nhuận. Hiện nay, nhằm phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân cũng như phục vụ cho việc vận tải hàng hóa, số lượng các doanh nghiệp/hợp tác xã thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải ngày càng gia tăng.
Để có thể thực hiện hình thức kinh doanh này, các doanh nghiệp/hợp tác xã cần được Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Đồng thời, khi kinh doanh vận tải đối với các loại xe cụ thể như: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, xe ô tô vận tải khách du lịch, xe buýt, xe taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô thì các phương tiện được sử dụng để kinh doanh vận tải phải được cấp và dán phù hiệu trên xe thì các đơn vị đó, xe đó mới có thể tiến hành hoạt động kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đầy đủ các vấn đề về hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy phép và phù hiệu kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô. Và tại sao Nhà nước lại quy định bắt buộc về việc phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phương tiện phải được cấp phù hiệu thì các đơn vị đó mới có thể tiến hành hoạt động kinh doanh của mình?
Với bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ lý giải những thắc mắc và giúp các bạn hiểu hơn về những vấn đề, quy trình, thủ tục nêu trên.
1) Tại sao Nhà nước lại quy định bắt buộc về việc phải có Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phương tiện phải được cấp, dán phù hiệu thì các đơn vị đó mới có thể tiến hành hoạt động kinh doanh của mình?
- Việc Nhà nước quy định bắt buộc đơn vị kinh doanh vận tải phải có Giấy phép kinh doanh nhằm:
+ Tránh trường hợp những tổ chức, cá nhân sử dụng xe ô tô riêng của mình để thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải kiếm thêm lợi nhuận một cách giấu diếm nhằm trốn tránh nghĩa vụ đóng phí, đóng các khoản thuế thu nhập bắt buộc cho nhà nước.
+ Đảm bảo rằng người điều hành đơn vị đó có đủ kinh nghiệm, trình độ chuyên môn để có thể đứng ra điều hành hoạt động của đơn vị vận tải; Ngành nghề đăng ký kinh doanh của đơn vị đó thực sự phù hợp với loại hình vận tải xin cấp phép.
+ Đảm bảo rằng phương án kinh doanh của đơn vị đó được vạch ra một cách có kế hoạch và có định hướng phát triển rõ ràng trong lĩnh vực vận tải; Hạn chế tối đa tình trạng các doanh nghiệp/hợp tác xã chưa có phương án, định hướng kinh doanh một cách rõ ràng, lâu dài để rồi kinh doanh chụp giựt, gây mất an ninh trật tự, dễ lâm vào tình trạng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, mất kiểm soát về tài chính, thậm chí xấu nhất là lâm vào tình trạng phá sản.
+ Quy định này giúp cho các cơ quan giao thông vận tải, cảnh sát giao thông có thể dễ dàng quản lý, giám sát và thực hiện chức năng quản lý trật tự hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ của mình. Dựa vào việc kiểm tra giấy phép kinh doanh, các cơ quan trên có thể: Kiểm tra xem trọng lượng hàng hóa vận chuyển có phù hợp với khối lượng hàng hóa được phép vận chuyển không? Xe có đi đúng hành trình đã được đăng ký hay không hay là chạy trái tuyến, sai lộ trình?
Xe có vận chuyển hàng hóa đúng loại đã đăng ký không hay gian lận chở thêm các loại hàng hóa khác hoặc chở hàng nhập lậu…?
- Việc quy định phương tiện kinh doanh vận tải (container, xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng,…) phải có phù hiệu xe là vì:
+ Phù hiệu xe là một loại giấy chứng nhận được niêm yết (dán) ở trên xe (mặt trước và mặt sau của xe) như một sự thông báo rằng phương tiện này đã đáp ứng đủ các điều kiện tối thiểu, bắt buộc để có thể tham gia giao thông và thực hiện các hoạt động kinh doanh vận tải.
+ Cảnh sát giao thông, các lực lượng chức năng có thể nhận biết để xử lý các vi phạm giao thông một cách dễ dàng hơn. Họ chỉ cần nhìn phù hiệu xe là có thể xác định được rằng chiếc xe đó đã đăng ký kinh doanh hay chưa? Chủ phương tiện là ai? Hình thức kinh doanh là gì? mà không cần phải yêu cầu người lái xe xuất trình giấy tờ đăng kí xe. Khi mà đôi lúc tài xế để quên giấy tờ xe ở nhà hoặc cố tình không xuất trình nhằm cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của họ.
+ Khi có phù hiệu xe thì việc theo dõi, kiểm soát các thông tin của xe, xuất xứ của xe,…được thực hiện một cách dễ dàng, thuận tiện hơn. Đặc biệt, phòng khi trường hợp xấu xảy ra như: khi bị mất xe, xe bị hư hỏng hay gặp tai nạn thì những người khác sẽ dễ tìm được thông tin xe, địa chỉ công ty để liên hệ và giải quyết các tình huống nhanh chóng hơn.
2) Hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ vận tải bằng xe ô tô
- Thành phần hồ sơ:
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh vận tải:
- Giấy đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh theo Mẫu[1];
- Bản sao văn bằng, chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải[2];
- Bản sao hoặc bản chính của Quyết định thành lập doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh vận tải. Trong Quyết định phải quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (quy định này áp dụng đối với các doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải hành khách bằng xe buýt, vận tải hành khách bằng xe taxi, vận tải hàng hóa bằng công-ten-nơ và vận tải hành khách sử dụng hợp đồng điện tử)[3].
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh đối với hộ kinh doanh vận tải:
- Quy trình thực hiện:
Bước 1: Doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh (thành phần hồ sơ như đã nêu trên) trực tiếp/thông qua đường bưu điện đến Sở Giao thông vận tải nơi các đơn vị đó đặt trụ sở hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh[6].
Bước 2: Sở Giao thông vận tải sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ; hợp lệ thì Sở sẽ có thông báo (bằng hình thức trực tiếp/văn bản/thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) về những nội dung mà đơn vị nộp hồ sơ cần bổ sung hoặc sửa đổi trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ[7].
Bước 3: Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ đủ và đúng theo quy định, Sở Giao thông vận tải sẽ thẩm định hồ sơ và cấp Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho đơn vị kinh doanh đó. Trường hợp không cấp Giấy phép kinh doanh thì Sở sẽ có văn bản trả lời hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đồng thời nêu rõ lý do từ chối cấp phép[8].
3) Hồ sơ, thủ tục xin cấp phù hiệu cho xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải
Thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô phải đáp ứng đầy đủ các quy định về lắp đặt, truyền dẫn dữ liệu[9] như: Đảm bảo được tình trạng kỹ thuật tốt và hoạt động liên tục trong thời gian xe tham gia giao thông[10]; Lưu trữ và truyền dẫn tối thiểu các thông tin bao gồm: Hành trình vận hành, tốc độ lưu thông của xe và thời gian lái xe liên tục về hệ thống dữ liệu giám sát hành trình của Bộ Giao thông vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam)[11].
Chỉ khi thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô đáp ứng được các điều kiện nêu trên thì đơn vị đó mới được xem xét cấp phù hiệu[12].
- Thành phần hồ sơ:
- Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo Mẫu[13];
- Bản sao giấy đăng ký xe ô tô (hoặc bản sao giấy hẹn nhận giấy đăng ký xe ô tô của Sở Giao thông vận tải nơi các đơn vị đó đặt trụ sở hoặc thực hiện hoạt động kinh doanh)[14].
Lưu ý: Trong trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì xuất trình thêm bản sao của một trong các giấy tờ sau[15]:
+ Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản;
+ Hợp đồng dịch vụ giữa thành viên hợp tác xã và hợp tác xã đó;
+ Hợp đồng hợp tác kinh doanh bên cho thuê phương tiện và bên thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải.
- Quy trình thực hiện:
Bước 1: Doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh vận tải nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị đó[16].
Bước 2: Sở Giao thông vận tải nơi đã tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trong trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ; hợp lệ thì Sở sẽ có thông báo (bằng hình thức trực tiếp/bằng văn bản hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến) về những nội dung mà đơn vị đó cần bổ sung hoặc sửa đổi trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ[17].
Bước 3: Trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ đúng và đủ theo quy định, Sở Giao thông vận tải sẽ cấp phù hiệu cho các xe theo đề nghị của các đơn vị kinh doanh vận tải đó. Trường hợp từ chối không cấp thì Sở sẽ có văn bản trả lời hoặc thông báo qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải nêu rõ lý do từ chối cấp phù hiệu[18].
Lưu ý: Nghị định 10/2020 về Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/04/2020.
Dịch vụ xin cấp giấy phép vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 18.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[2] Điều 18.1.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[3] Điều 18.1.(c) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[4] Điều 18.2.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[5] Điều 18.2.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[6] Điều 19.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[7] Điều 19.1.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[8] Điều 19.1.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[9] Điều 22.5.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[10] Điều 12.2 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[11] Điều 12.3.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[12] Điều 12.5.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[13] Điều 22.4.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[14] Điều 22.4.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[15] Điều 22.4.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[16] Điều 22.5.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[17] Điều 22.5.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[18] Điều 22.5.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP