Giáo trình có được đăng ký bảo hộ quyền tác giả không?

Giáo trình có được đăng ký bảo hộ quyền tác giả không?

Giáo trình có được đăng ký bảo hộ quyền tác giả không?

Giáo trình có phải là loại hình tác phẩm được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ hay không? Giáo trình có cần phải tiến hành đăng ký bảo hộ? Việc đăng ký bảo hộ sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả như thế nào? Cùng với các câu hỏi liên quan đến vấn đề này sẽ được Luật Nghiệp Thành giải đáp tại bài viết sau.

Sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ con người phải trải qua quá trình tư duy và sáng tạo, vì thế sản phẩm này là tài sản vô hình nhưng mang lại nhiều ý nghĩa và có giá trị lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội,… Bên cạnh đó, hiện nay sản phẩm trí tuệ này được tìm kiếm rất dễ dàng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Kéo theo nhiều hệ lụy khi có những hành vi sao chép, photo, chỉnh sửa trước khi phát tán,…. Tác động rất lớn đến quyền và lợi ích của tác giả, đặc biệt là các tác giả của giáo trình.

1. Giáo trình có thuộc loại hình tác phẩm được pháp luật bảo hộ?

Giáo trình là tài liệu được một hoặc nhiều giảng viên căn cứ vào vào chương trình giảng dạy để thiết kế và biên soạn nhằm tạo ra tài liệu giảng dạy chính thức dành cho những giảng viên khác và là tài liệu học tập chính thức dành cho nhiều sinh viên. Giáo trình sẽ được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.[1]

Đây là tác phẩm do giảng viên thiết kế và biên soạn dựa trên nội dung giảng dạy cũng như kèm vào những lời bình, các yếu tố chứng minh để tác giả làm rõ một vấn đề gì đó. Vì thế, trong cùng một lĩnh vực thì giáo trình giữa các trường hoặc giữa các giảng viên sẽ có sự khác nhau, bởi lẽ cách tư duy nhìn nhận vấn đề, phong cách viết, và cách thể hiện của mỗi người đã có sự khác nhau. Vì thế giáo trình là loại hình tác phẩm do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình và không sao chép từ người khác và thuộc một trong các loại hình tác phẩm được pháp luật bảo hộ dưới dạng quyền tác giả.[2]

Một giáo trình được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả thì phải đảm bảo các điều kiện[3]:

– Giáo trình có tính sáng tạo và do tác giả sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình;

– Được thể hiện dưới dạng vật chất không phân biệt nội dung, hình thức đã công bố hay chưa; đã đăng ký hay chưa đăng ký; ngôn ngữ hay phương tiện đăng tải;

– Không được sao chép từ các tác phẩm khác;

– Tác giả phải là người sáng tạo ra giáo trình hoặc cùng là chủ sở hữu; tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào, nếu đã công bố lần đầu tiên ở nước khác thì phải công bố ở Việt Nam trong thời hạn 30 ngày;..

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Lưu ý: Khi biên soạn giáo trình mà tác giả có ý định trích dẫn nội dung từ tác phẩm khác hoặc giáo trình là tác phẩm phái sinh thì tác giả biên soạn cần lưu ý về việc trích dẫn/phái sinh không gây phương hại đến tác phẩm gốc; được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm gốc; mục đích trích dẫn và ghi rõ nguồn gốc;… Nếu tác giả biên soạn không đảm bảo việc trích dẫn đúng quy định thì đây là hành vi sao chép không có sự đồng ý của tác giả với tác phẩm gốc hoặc đã và đang gây phương hại đến tác phẩm trích dẫn thì hành vi của tác giả biên soạn của giáo trình là hành vi vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả.

Nếu trích dẫn mà không có sự cho phép của tác giả thì thuộc hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm có thể bị xử phạt hành chính từ 15 triệu đến 35 triệu; nếu phái sinh tác phẩm gốc mà không được tác giả đồng ý thì phạt hành chính từ 05 triệu đến 10 triệu. Kèm theo xử phạt tiền còn buộc dỡ bỏ tác phẩm vi phạm dưới mọi hình thức.[4]

2. Giáo trình có cần tiến hành đăng ký bảo hộ không?

Giáo trình thuộc loại hình tác phẩm được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Mà Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được tạo ra và được thể hiện ở dạng hình thức vật chất, bất kể nó có được công bố hoặc được tác giả đăng ký hay không. Vì thế, khi giảng viên biên soạn ra giáo trình thì quyền tác giả đã phát sinh và được pháp luật bảo hộ, nó không phụ thuộc vào bất kỳ hình thức thủ tục đăng ký bảo hộ nào[5]. Tuy nhiên, việc sao chép, photocopy các giáo trình mà chưa được sự cho phép tác giả ngày càng diễn biến phức tạp, vì thế khi cá nhân, tổ chức biên soạn, nếu giáo trình được thiết kế với phương pháp giảng dạy mới hoặc nội dung giảng dạy mới thì tác giả cần tiến hành thủ tục đăng ký với Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục ở TP.HCM và Thành phố Đà Nẵng.

3. Đăng ký bảo hộ giáo trình thì quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả được bảo vệ như thế nào?

Khi giảng viên biên soạn ra giáo trình, dù đã công bố hoặc đăng ký hay chưa thì quyền tác giả cũng đã phát sinh. Quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của giảng viên đối với tác phẩm do mình sáng tạo nên:

– Quyền nhân thân: giảng viên có quyền đặt tên cho giáo trình; đứng tên trên sản phẩm do mình tạo ra; công bố, phổ biến hoặc cho phép người khác thực hiện; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc sản phẩm dưới bất kỳ hình thức gây nguy hại đến danh dự và uy tín của tác giả;…

– Quyền tài sản: được hưởng nhuận bút, hưởng lợi ích vật chất, thù lao khi cho người khác sử dụng tác phẩm dưới hình thức xuất bản, tái bản,..; được nhận giải thưởng;..

Tuy nhiên, nếu hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với giáo trình đã được đăng ký bảo hộ thì xem xét vào mức độ hành vi vi phạm mà xác định cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. Theo đó, nếu hành vi vi phạm ở mức độ xử phạt hành chính thì cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử phạt. Ngược lại, nếu hành vi vi phạm cần áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự hay các biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan giải quyết là Tòa án. Lúc này, Tòa án sẽ ưu tiên cho tổ chức, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Căn cứ vào quy định thì khi tranh chấp xảy ra, tác giả của giáo trình đã đăng ký bảo hộ không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, mà nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên còn lại, trừ khi bên còn lại có chứng cứ ngược lại.[6]

4. Thời hạn bảo hộ[7]

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với giáo trình có một tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 50 năm tiếp theo năm tác giả chết. Nếu có các đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 khi đồng tác giả cuối cùng chết.

 

Tổng kết, giáo trình hoàn toàn có thể được đăng ký với Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục, bởi lẽ giáo trình thuộc một trong 14 loại hình tác phẩm được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Việc đăng ký bảo hộ với Cục không phải là thủ tục bắt buộc theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tác giả vẫn nên đăng ký bảo hộ nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân cũng như bảo vệ sự toàn vẹn của giáo trình khi có hành vi xâm phạm hoặc có tranh chấp xảy ra.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Giáo trình có được đăng ký bảo hộ quyền tác giả không?

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 2.4.(a) Quyết định 37/2018/QĐ-TTg

[2] Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005

[3] Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ 2005

[4] Điều 12 và Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP

[5] Điều 6.1 Luật Sở hữu trí tuệ 2005

[6] Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ 2005

[7] Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*