Độ tuổi cần lưu ý để cấp đổi căn cước mới
Hiện nay, căn cước công dân (hay còn gọi là căn cước) là giấy tờ tùy thân quan trọng trong nhiều hoạt động như: quá trình giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công, hay các giao dịch dân sự khác, vì thế các thông tin nhân thân, lai lịch cũng như các yếu tố về sinh trắc học, dấu hiệu nhận dạng cần phải được đảm bảo tính chính xác theo từng giai đoạn nhất định.
Một thống kê được đăng trên “Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ” cho biết dấu vân tay có khả năng thay đổi theo thời gian, nhưng sự thay đổi là rất ít. Tuy nhiên, nếu thời gian càng lâu thì độ trùng khớp giữa hai mẫu dấu vân tay là rất nhỏ. Bên cạnh đó, cấu trúc của móng mắt cũng có thể bị thay đổi nếu xảy ra các vấn đề mắt do chấn thương, phẫu thuật, bệnh lý hoặc dùng một số loại thuốc điều trị. Nhằm đảm bảo tính chính xác về thông tin của công dân trong quá trình lưu hành và sử dụng căn cước trong các giao dịch, thủ tục hành chính thì việc cấp đổi căn cước theo từng thời kỳ là điều cần thiết.
Kể từ ngày 01/7/2024, các giai đoạn tuổi cần phải cấp đổi căn cước sẽ được bổ sung như sau[1]:
Giai đoạn 1: Từ đủ 14 tuổi;
Giai đoạn 2: Từ đủ 25 tuổi;
Giai đoạn 3: Từ đủ 40 tuổi
Giai đoạn 4: Từ đủ 60 tuổi;
Cách nhận biết: Theo mẫu đề xuất của Bộ Công an[2] về Thẻ căn cước thì phần nhận biết nằm ở mặt trước căn cước và phía dưới hình ảnh. Mục này sẽ để thời gian mà công dân phải thực hiện cấp đổi căn cước theo từng giai đoạn.
Trường hợp đặc biệt[3]: Nếu công dân làm mất căn cước hoặc thay đổi thông tin trên căn cước, làm phát sinh việc cấp đổi, cấp lại căn cước trong thời hạn 02 năm trước giai đoạn tuổi cần cấp đổi thì căn cước được cấp đổi, cấp lại sẽ có giá trị hiệu lực đến giai đoạn tuổi tiếp theo
Ví dụ: Công dân A sinh năm 2000, sau ngày 10/12/2024 sẽ giai đoạn thứ hai mà công dân phải thực hiện cấp đổi. Tuy nhiên nếu công dân đã cấp đổi, cấp lại căn cước mới trong năm 2023, và trước ngày 10/12/2024 thì công dân A không phải cấp đổi căn cước khi đến hạn; giá trị sử dụng của thẻ căn cước mới sẽ có hiệu lực đến ngày 10/12/2039.
Mức phí phạt: Ở mỗi giai đoạn tuổi, công dân phải thực hiện việc cấp đổi, nếu công dân sử dụng thẻ căn cước hết giá trị hiệu lực thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng[4]
Trên đây là bài viết về: “Độ tuổi cần lưu ý để cấp đổi căn cước mới”
Nếu các bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung
Biên tập: Quách Gia Hy
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt bài viết: Luật sư Thuận
[1] Điều 21.1. Luật căn cước 2023, có hiệu lực từ 01/7/2024
[2] https://cand.com.vn/Hoat-dong-LL-CAND/bo-cong-an-de-xuat-mau-the-can-cuoc-va-mau-giay-chung-nhan-can-cuoc-i722558/
[3] Điều 21.2 Luật căn cước 2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024
[4] Điều 10.1.(b) Nghị định 144/2021/NĐ-CP