Điều kiện mở phòng khám y học cổ truyền
Bên cạnh các biện pháp chữa bệnh Tây y thì Đông y cũng là một trong những phương pháp chữa bệnh được nhiều người tin dùng. Vì vậy, để mở một phòng khám Y học cổ truyền (Đông y) cần phải đáp ứng được tiêu chuẩn như một phòng khám theo quy định. Thông qua bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu về các điều kiện bắt buộc để mở phòng khám y học cổ truyền nhé.
Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám y học cổ truyền[1]
+ Quy mô: có quy mô phù hợp với hình thức tổ chức của phòng khám y học cổ truyền.
+ Cơ sở vật chất:[2]
– Có địa điểm cố định đáp ứng an toàn, phòng cháy, chữa cháy, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, kiểm soát nhiễm khuẩn, bảo vệ môi trường, bảo đảm đủ điện nước để phục vụ cho phòng khám;
– Có biển hiệu, sơ đồ, biển chỉ dẫn các khoa, phòng, bộ phận chuyên môn, hành chính;
– Phòng khám phải có nơi đón tiếp người bệnh, phòng khám bệnh có diện tích nhỏ nhất 10m2;
– Bên cạnh đó, tùy thuộc vào phạm vi hoạt động phải đáp ứng thêm các điều kiện cơ sở vật chất:
*Thực hiện cả kỹ thuật, thủ thuật: phải có thêm phòng để thực hiện kỹ thuật, thủ thuật có diện tích nhỏ nhất là 10 m2; nếu thực hiện kỹ thuật vận động trị liệu thì phòng để thực hiện phải có diện tích nhỏ nhất là 20m2;
*Có xông hơi thuốc: có phòng xông hơi có diện tích nhỏ nhất 02 m2, kín, đủ ánh sáng;
* Thực hiện chế biến, bào chế thuốc cổ truyền thì phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.
VD: Phòng khám y học cổ truyền A, trong phạm vi hoạt động có thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, xông hơi thuốc, chế biến, bào chế thuốc thì phải có các phòng riêng, không gian khác nhau. Trong trường hợp này phòng khám A tối thiểu phải có các phòng như: phòng tiếp nhận bệnh nhân, phòng để thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật; phòng xông thuốc; phòng chế biến, bào chế thuốc.
+ Thiết bị phục vụ khám chữa bệnh[3]: có các thiết bị y tế phù hợp với danh mục chuyên môn kỹ thuật và phạm vi hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh
Phạm vi hoạt động | Thiết bị cần có |
Thực hiện khám bệnh, kê thuốc, bốc thuốc | + Tủ thuốc, các vị thuốc được đựng trong ô kéo, chai lọ thủy tinh hoặc nhựa trắng có nắp, có dán nhãn tên thuốc bên ngoài + Có cân thuốc, phân chia các vị thuốc theo thang, giấy gói thuốc |
Châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt | + Giường, dụng cụ để châm cứu, xoa bóp, day ấn huyệt + Có đủ dụng cụ và hướng dẫn xử lý vựng châm |
Xông hơi thuốc | + Phải có hệ thống tạo hơi thuốc, van điều chỉnh, bảng hướng dẫn xong hơi và hệ thống chuông báo trong trường hợp khẩn cấp |
Lưu ý: Phải có hộp cấp cứu phản vệ và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa phù hợp với phạm vi hoạt động. |
+ Nhân sự: Bác sỹ hành nghề y học cổ truyền hoặc chuyên khoa y học cổ truyền là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám. Bác sỹ phải có giấy phép hành nghề, hành nghề toàn thời gian tại phòng khám và đã có thời gian hành nghề trong phạm vi y học cổ truyền tối thiểu 36 tháng.[4]
– Người phụ trách bộ phận chuyên môn, đơn vị chuyên môn của phòng khám phải có giấy phép hành nghề phù hợp với chuyên khoa đó và phải làm người hành nghề toàn thời gian tại phòng khám;
VD: Các bộ phận chuyên môn trong học cổ truyền như: Dược học cổ truyền (chế biến dược liệu, các phương pháp bào chế thuốc,..); Châm cứu; Dưỡng sinh (xoa bóp, thực dưỡng),.. Người phụ trách các chuyên môn này trong phòng khám phải có giấy phép hành nghề phù hợp và làm việc toàn thời gian tại phòng khám.
– Phân công công việc cho người hành nghề đúng phạm vi hành nghề được phê duyệt.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Điều kiện mở phòng khám y học cổ truyền”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Trần Thị Ngân
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 40 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[2] Điều 46.1 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[3] Điều 46.2 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[4] Điều 40.4 Nghị định 96/2023/NĐ-CP