Điều kiện cấp giấy phép hành nghề bác sĩ
Để được cấp giấy phép hành nghề, bác sĩ phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe về chuyên môn. Những điều kiện này đã có nhiều thay đổi từ khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 có hiệu lực thi hành. Để tìm hiểu đầy đủ các điều kiện cấp giấy phép hành nghề của bác sĩ, các bạn sẽ cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu qua bài viết sau.
Từ ngày 01/01/2024, bác sĩ phải đáp ứng đủ 06 điều kiện khi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ nhất, phải có văn bằng chuyên môn về đào tạo y khoa
Người xin cấp giấy phép hành nghề bác sĩ phải là người được đào tạo chuyên môn về y khoa tại các trường đại học và được cấp văn bằng chuyên môn về bác sĩ như văn bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ y học dự phòng, …
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ còn có thể tham gia học, đào tạo chuyên khoa và được cấp các văn bằng chuyên khoa như văn bằng chuyên khoa cấp I, văn bằng chuyên khoa cấp II, …
Các văn bằng chuyên môn về bác sĩ trên là điều kiện bắt buộc để tham gia quá trình thực hành, tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề và là thành phần hồ sơ cần có khi làm thủ tục cấp giấy phép hành nghề bác sĩ[1].
Thứ hai, có giấy xác nhận hoàn thành quá trình thực hành
Yêu cầu thực hành tay nghề đủ thời gian theo quy định là điều kiện bắt buộc đối với bác sĩ khi cấp giấy phép hành nghề. Đây là thời gian để bác sĩ được tập sự tay nghề, học việc chuyên môn trước khi cấp giấy phép hành nghề. Thời gian thực hành của bác sĩ theo quy định hiện nay là 12 tháng. Trong đó, thời gian thực hành chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng, 03 tháng còn lại sẽ thực hành chuyên môn về hồi sức, cấp cứu[2].
Đối với chức danh bác sĩ y khoa, bác sĩ y học dự phòng sẽ tham gia thực hành tại bệnh viện. Bác sĩ y học cổ truyền sẽ thực hành tại bệnh viện có chuyên khoa y học cổ truyền. Bác sĩ răng hàm mặt sẽ thực hành tại bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt[3].
Sau khi hoàn thành quá trình thực hành, người thực hành sẽ được người hướng dẫn đánh giá, nhận xét và được bệnh viện cấp giấy xác nhận hoàn thành quá trình thực hành[4].
(Mẫu 07 – Mẫu xác nhận quá trình thực hành của bác sĩ)
Lưu ý trường hợp miễn quá trình thực hành: riêng trường hợp bác sĩ sau khi tốt nghiệp chương trình đại học, nhưng tiếp tục học lên chuyên khoa, được đào tạo chuyên khoa và có văn bằng chuyên khoa thì không cần tham gia thực hành mà có thể tham gia ngay kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, sau đó làm thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề[5].
Thứ ba, vượt qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh[6]
Bác sĩ sẽ phải tham gia và vượt qua bài kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức trước khi thực hiện cấp giấy phép hành nghề.
Nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề bác sĩ sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2027[7]. Trước thời gian này, khi xin cấp giấy phép hành nghề bác sĩ sẽ không phải tham gia kỳ thi đánh giá năng lực hành nghề[8].
Riêng đối với trường hợp bác sĩ đã có giấy phép hành nghề được cấp ở nước ngoài sẽ thực hiện thủ tục thừa nhận giấy phép hành nghề mà không cần phải tham gia kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề[9].
Thứ tư, đảm bảo đủ sức khỏe khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh[10]
Công việc khám bệnh, chữa bệnh đòi hỏi người làm việc phải có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng. Đồng thời yêu cầu sức khỏe phù hợp là tiêu chuẩn trong chuẩn năng lực cơ bản của một bác sĩ. Vì lý do đó, trước khi cấp giấy phép hành nghề, bác sĩ phải thực hiện khám sức khỏe và có giấy khám sức khỏe trong thành phần hồ sơ cấp giấy phép hành nghề.
Thứ năm, không thuộc trường hợp không được hành nghề khám, chữa bệnh[11]
Phải đảm bảo không bị cấm hành nghề hay không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, trách nhiệm hình sự, bị kỷ luật hay hình thức khác dẫn đến không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ sáu, điều kiện về ngôn ngữ đối với bác sĩ nước ngoài[12]
Tiếng Việt vẫn được ưu tiên trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại Việt Nam. Bác sĩ nước ngoài hoặc bác sĩ Việt Nam nhưng có văn bằng chuyên môn về bác sĩ được cấp ở nước ngoài khi đăng ký sử dụng tiếng Việt để khám bệnh, chữa bệnh phải có Giấy chứng nhận biết tiếng Việt. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bác sĩ nước ngoài có tay nghề giỏi làm việc tại Việt Nam, quy định vẫn cho phép bác sĩ nước ngoài đăng ký, sử dụng ngôn ngữ khác tiếng Việt. Trường hợp này, bác sĩ sẽ phải có người phiên dịch. Người phiên dịch của bác sĩ phải đảm bảo có giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch[13].
Như vậy, để đủ điều kiện xin cấp giấy phép hành, bác sĩ phải trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nhiều năm, tham gia thực hành đủ lâu để vững tay nghề, vượt qua bài kiểm đánh giá năng lực hành nghề và đảm bảo sức khỏe tốt khi hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cứu người.
Sau khi đủ điều kiện, bác sĩ sẽ chuẩn bị hồ sơ và làm thủ tục xin cấp giấy phép hành nghề. Để tìm hiểu về thành phần hồ sơ, quy trình xin cấp giấy phép hành nghề bác sĩ, các bạn có thể tham khảo bài viết: Quy trình cấp giấy phép hành nghề bác sĩ
Trên đây là nội dung tư vấn về “Điều kiện cấp giấy phép hành nghề bác sĩ”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tiến Thành
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 130.1 (b) Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[2] Điều 3.1 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[3] Điều 5.1 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[4] Điều 7.6 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[5] Điều 10.1 (b) Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[6] Điều 30.2 (a) Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[7] Điều 120.3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[8] Điều 121.6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[9] Điều 29 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[10] Điều 30.2 (b) Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[11] Điều 30.2 (d) Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[12] Điều 30.2 (c) Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023
[13] Điều 130.1 (đ) Nghị định 96/2023/NĐ-CP