Có bắt buộc phải hòa giải khi ly hôn

Có bắt buộc phải hòa giải khi ly hôn

Có bắt buộc phải hòa giải khi ly hôn

Trong quá trình hôn nhân, giữa vợ chồng không thể tránh khỏi các xích mích, hiểu lầm, xung đột vì nhiều yếu tố chủ quan và khách quan. Nhưng một khi cả hai đi đến quyết định ly hôn thì nghĩa là mối quan hệ dường như đã không thể hàn gắn. Tuy nhiên, pháp luật luôn luôn tạo điều kiện và cho phép có thủ tục hòa giải giữa vợ chồng, mục đích là để hai bên bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng thông qua bên thứ ba là cơ quan nhà nước, để có thể cùng tìm ra nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, để cùng nhau xây dựng gia đình. Thế thì, thủ tục hòa giải trên có bắt buộc phải thực hiện theo quy định pháp luật?. Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc làm rõ vấn đề trên.

Hiện nay, về vấn đề hòa giải trong hôn nhân, Luật Hôn nhân và Gia đình có quy định hòa giải tại cở sở và hòa giải tại Tòa án.

Đầu tiên, ta tìm hiểu về Hòa giải tại cơ sở trong ly hôn

Thế thì, hòa giải ở cơ sở nghĩa là gì? Đây là công việc hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận và tự nguyện giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp mà trong trường hợp này là vợ chồng, và người thực hiện hòa giải là hòa giải viên. “Ở cơ sở” có nghĩa là việc hòa giải thực hiện tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư. Mà gọi chung là trong thôn hoặc tổ dân phố.[1]

Vì nguyên tắc của hòa giải cơ sở là tôn trọng sự tự nguyện của hai bên vợ chồng, không áp đặt hay bắt buộc. Việc hòa giải là để giúp các bên giải quyết mâu thuẩn và được nhà nước hỗ trợ kinh phí công tác hòa giải. Cho nên, hòa giải tại cơ sở là không bắt buộc mà chỉ được Nhà nước và xã hội khuyến khích khi hai bên vợ và chồng có yêu cầu ly hôn.[2]

Tuy nhiên, các bạn nên phân biệt giữa hòa giải cơ sở với hòa giải tại Tòa án. Vì trước khi nộp đơn xin ly hôn ở Tòa án thì phải bắt buộc tiến hành hòa giải trước, vì đây được xem là trách nhiệm của Tòa án.[3]

Thủ tục hòa giải khi ly hôn tại Tòa án được thực hiện như thế nào?

Việc hòa giải được tiến hành khi vợ hoặc chồng có yêu cầu ly hôn, dù là thuận tình ly hôn hay đơn phương ly hôn. Thì hòa giải là thủ tục bắt buộc phải thực hiện trước khi tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn hoặc trước khi ra quyết định công nhận.[4]

Về nơi thực hiện thủ tục hòa giải thì cũng sẽ là Tòa án nhân dân cấp huyện (Tòa gia đình và người chưa thành niên) nơi vợ hoặc chồng đang cư trú, làm việc.[5]

Document

*Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, nghĩa là các bên đều đã đồng ý với nhau về việc ly hôn, có thỏa thuận nuôi con cũng như phân chia tài sản. Và đều đã được nêu trong đơn yêu cầu, gọi là thủ tục “Yêu cầu tòa án công nhận thuận tình ly hôn”.

Trước khi quyết định công nhận đơn yêu cầu, thì Thẩm phán sẽ là người tiến hành hòa giải cho vợ, chồng đoàn tụ với nhau. Qua quá trình hòa giải, các bên sẽ được giải thích các quyền và nghĩa vụ vợ chồng, con cái, trách nhiệm cấp dưỡng và những vấn đề có liên quan khác.

– Nếu hòa giải thành: Thẩm phán sẽ ra “Quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn”

– Nếu hòa giải không thành: Thẩm phán sẽ ra “Quyết định công nhận thuận tình ly hôn” khi đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định. Đó là: hai bên thực sự tự nguyện ly hôn; hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Và điều kiện cuối cùng là sự thỏa thuận đó phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của vợ, con.[6]

Nếu vợ, chồng vẫn chưa thỏa thuận được các vấn đề đã nêu trên thì Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết việc công nhận trên và chuyển thành thụ lý vụ án ly hôn để giải quyết.[7]

*Đối với vụ án ly hôn,

Hòa giải trong vụ án ly hôn sẽ được tiến hành phức tạp hơn so với thuận tình ly hôn. Bởi vì, vụ án ly hôn là cả hai bên có xảy ra tranh chấp và sự tham gia trong phiên họp hòa giải sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề như các chứng cứ, người làm chứng, sự tham gia của các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (nếu có); v.v…

Giải thích: Đương sự trong vụ án ly hôn là các nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.[8]

Thẩm phán sẽ dựa vào ý kiến của các bên và sau đó sẽ xác định những vấn đề đã được thống nhất và chưa thống nhất. Những nội dung đó sẽ được liệt kê trong biên bản hòa giải.

– Nếu hòa giải thành

Sau khi các bên đã thỏa thuận được với nhau về các vấn đề phải giải quyết thì Tòa án sẽ lập Biên bản hòa giải thành và sẽ gửi ngay cho các đương sự. Và sau thời hạn 07 ngày từ ngày lập biên bản trên, mà các đương sự không thay đổi ý kiến, thì kết quả cuối cùng sẽ là Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

– Nếu hòa giải không thành

Thì sẽ thực hiện giải quyết vụ án ly hôn là đưa vụ án ra xét xử, và thủ tục trên sẽ được thể hiện qua Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Các đương sự sẽ được nhận quyết định đó trong thời hạn 03 ngày kể từ ra quyết định.[9]

Trên đây là nội dung tư vấn về  “Có bắt buộc phải hòa giải khi ly hôn?”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 2.1, 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013

[2] Điều 4, Điều 5, Điều 6 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 và Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

[3] Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[4] Điều 205, 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[5] Điều 39.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

[6] Điều 397.4 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[7] Điều 397.5 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[8] Điều 68.1 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[9] Điều 220 Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Document
Categories: Gia Đình
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*