Chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non
Giáo viên mầm non là người truyền tải kiến thức và giáo dục nhân cách làm người cho các bé, là những người chịu trách nhiệm chăm sóc và quản lí trẻ. Nghề giáo viên Mầm non là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ giáo dục mà giáo viên mầm non còn phải chăm sóc từng học sinh của mình và hơn hết đây là nghề làm vì “tình yêu”. Từ 01/11/2020, khi Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non có hiệu lực thì một số đối tượng giáo viên mầm non sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ. Theo quy định có 03 chính sách hỗ trợ. Cụ thể, sẽ được Luật Nghiệp Thành cung cấp và thông tin cho bạn đọc như sau:
- Chính sách đối với giáo viên mầm non dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số[1]:
Đối tượng hưởng | Nội dung | Phương thức thực hiện |
Giáo viên mầm non dạy tại điểm lẻ của cơ sở giáo dục mầm non công lập ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm một trong những điều kiện sau: a) Trực tiếp dạy 02 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ hai độ tuổi trở lên. b) Trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số. | Hàng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng/tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học. Tiền hỗ trợ được trả cùng với việc chi trả tiền lương của tháng và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
| Hằng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, cơ sở giáo dục mầm non lập danh sách giáo viên được hưởng chính sách (Tham khảo mẫu tại đây ) Danh sách này được gửi về phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp cơ sở giáo dục mầm non trực thuộc sở giáo dục và đào tạo hoặc cơ quan khác, hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non nộp danh sách giáo viên được hưởng chính sách về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, đồng thời gửi phòng giáo dục và đào tạo nơi cơ sở giáo dục mầm non đóng trụ sở trên địa bàn để theo dõi, tổng hợp. |
- Chính sách đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp[2]:
Đối tượng hưởng | Nội dung | Hồ sơ, trình tự thực hiện, phương thức thực hiện |
Giáo viên thuộc diện chính sách này cần phải bảo đảm những điều kiện sau: – Có trình độ chuẩn đào tạo chức danh giáo viên mầm non theo quy định; – Có hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật của cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; – Trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhóm trẻ/lớp mẫu giáo có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp. | Mức hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ được tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học. Mức hỗ trợ này nằm ngoài mức lương thỏa thuận giữa chủ cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục với giáo viên và không dùng tính đóng hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Mức hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định. |
Hồ sơ, trình tự thực hiện, phương thức thực hiện theo quy định tại Điều 10.3 Nghị định 105/2020/NĐ-CP. |
- Chính sách hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với giáo viên mầm non dân lập, tư thục[3]:
Đối tượng hưởng | Nội dung |
Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhóm, tổ trưởng chuyên môn) đang làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo quy định.
| Giáo viên mầm non theo quy định tại khoản 1 Điều này được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Mức hỗ trợ của ngân sách thực hiện theo mức hỗ trợ đối với giáo viên công lập có cùng trình độ tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định. Hăng năm, căn cứ kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng của phòng giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục lập danh sách giáo viên tham gia tập huấn, bồi dưỡng gửi phòng giáo dục và đào tạo. Phòng giáo dục và đào tạo có trách nhiệm tổng hợp, xây dựng dự toán, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định. |
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non.”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 9 Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
[2] Điều 10 Nghị định 105/2020/NĐ-CP.
[3] Điều 11 Nghị định 105/2020/NĐ-CP.