Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp trong công ty
Chia tài sản chung của vợ chồng là phần vốn góp trong công ty
Liên quan đến các vấn đề tài sản chung của vợ chồng, một trong những vấn đề cần quan tâm khi giải quyết tài sản chung của vợ chồng do ly hôn là phần vốn góp trong công ty. Đối với các cặp vợ chồng có nhu cầu mở công ty để sản xuất kinh doanh thì đầu tiên mở công ty vợ chồng phải góp vốn để công ty có thể hoạt động. Tuy nhiên, nếu ly hôn, thì phần vốn góp này phải được phân chia như thế nào khiến không ít người bối rối. Chính vì thế, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc vấn đề trên.
1.Phần vốn góp trong công ty TNHH là gì?
Phần vốn góp vào công ty TNHH được hiểu là tổng giá trị tài sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty.[1] Sau khi đã góp vốn vào công ty theo cam kết, thành viên sẽ được cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp nhằm xác nhận đã góp đủ vốn và cũng là cơ sở để họ thực hiện các quyền và nghĩa với tư cách là một thành viên của công ty tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết.[2]
Theo quy định về tài sản tại Bộ luật Dân sự, thì phần vốn góp của công ty TNHH là một quyền tài sản có thể hiểu loại tài sản này là vô hình nhưng được trị giá bằng tiền.[3]
Về cổ phần trong Công ty cổ phần là tài sản chung của vợ chồng cũng có bản chất là quyền tài sản như với phần vốn góp trong Công ty TNHH. Do đó, quy định phân chia cổ phần là tài sản chung của vợ chồng trong Công ty cổ phần cũng sẽ tương tự như phần vốn góp trong Công ty TNHH. Bạn đọc áp dụng tương tự với mục 2 tại bài viết này. |
2.Phân chia tài sản chung là phần vốn góp trong công ty TNHH
Việc chia tài sản liên quan đến phần vốn góp vợ chồng đều có quyền lựa chọn sẽ tự thoả thuận với nhau. Tuy nhiên, nếu các bên không thể thoả thuận thì có thể yêu cầu Toà án xem xét, giải quyết.[4]
Khi phân chia tài sản chung, Toà án sẽ dựa theo các yếu tố như hoàn cảnh của gia đình, công sức đóng góp, bảo vệ lợi ích chính đáng mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh nghề nghiệp, lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng.[5]
Xét về phần vốn góp là tài sản chung trong công ty TNHH thì Tòa án sẽ xem xét đến công sức đóng góp của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung đó và cả việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong kinh doanh nghề nghiệp.
– Bởi vì có nhiều trường hợp vợ chồng mở công ty nhưng người chồng hoặc vợ mới là người tham gia điều hành, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Nhưng vì tài sản được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân nên phần vốn góp được xem là tài sản chung của vợ chồng[6], chính vì thế mới xét tới công sức đóng góp và nghề nghiệp của mỗi bên.
Cho nên, xét đến việc người còn lại không tham gia vào việc kinh doanh, thì bên có tham gia có thể sẽ được phân định là nhận toàn bộ phần vốn góp trên. Thay vào đó, phần vốn góp được nhận sẽ quy đổi bằng tiền, được trích từ tài sản riêng và thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.[7]
Ví dụ như: Vợ chồng anh A chị B, trên giấy phép kinh doanh có đứng tên anh A là đại diện pháp luật, anh A cũng là thành viên góp vốn trong công ty cũng là giám đốc công ty tham gia điều hành công ty. Chị B thì làm nội trợ tại nhà mà không tham gia vào việc hoạt động của công ty. Tuy nhiên, do thành lập công ty trong thời kỳ hôn nhân nên số vốn góp là tài sản chung của vợ chồng, dù cho chỉ có mình anh A là đứng tên trên GCNĐKKD.
Khi hai vợ chồng ly hôn, dù là tài sản chung tuy nhiên vẫn phải xét đến công sức đóng góp khi tạo lập phần tài sản chung là phần vốn góp này.
Để xác định công sức đóng góp của mỗi bên và nghề nghiệp liên quan, vợ chồng anh A chị B sẽ cần phải chứng minh với Toà án công sức đóng góp của các bên để làm căn cứ xác định phân chia tài sản. Trường hợp chị B không có nhu cầu tham gia hoạt động công ty thì khi hai bên chia tài sản, anh A là người sở hữu toàn bộ phần vốn góp trên và sẽ thanh toán phần chênh lệch bằng tiền mặt cho chị B.
– Cũng có trường hợp cả hai vợ chồng đều có công sức đóng góp vào việc điều hành, quản lý của công ty. Do đó, để phân chia hợp lý, bên này sẽ tặng cho phần vốn góp cho bên kia hoặc ngược lại. [8]
Ví dụ: Công ty TNHH 2TV do hai vợ chồng anh A chị B thành lập sau khi kết hôn. Anh A là người đứng tên đại diện pháp luật, là thành viên góp vốn với một thành viên C, chị B là Giám đốc công ty không là thành viên. Cả hai vợ chồng đều tham gia điều hành, quản lý công ty. Cho nên, xét đến nghề nghiệp, công sức đóng góp, thì Toà án có thể yêu cầu anh A là thành viên góp vốn tặng cho một phần vốn góp cho chị B để chị B cũng là thành viên của công ty, sở hữu phần vốn góp. Nhằm tạo điều kiện cho chị B tiếp tục công việc của mình.
Riêng với loại hình Doanh nghiệp tư nhân/Công ty TNHH MTV do chỉ có một cá nhân làm chủ sở hữu nên sẽ xem xét ai trực tiếp điều hành việc kinh doanh, quản lý công ty để xác định vốn đầu tư/phần vốn góp đó sẽ ưu tiên thuộc về ai trong số hai vợ chồng (vì có trường hợp vợ đứng tên nhưng chồng mới là người tham gia điều hành toàn bộ và ngược lại). Nếu bên ít hoặc không tham gia hoạt động công ty mà sau khi ly hôn vẫn muốn tham gia vào thì cần phải chuyển đổi loại hình sang Công ty TNHH 2TV trở lên hoặc Công ty cổ phần. |
Trên đây là nội dung tư vấn về “Chia tài sản chung của vợ chồng là vốn góp trong công ty”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bắng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Tổng hợp
[1] Điều 4.27 Luật Doanh nghiệp 2020
[2] Điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020
[3] Điều 105, 115 Bộ luật dân sự 2015
[4] Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP
[5] Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[6] Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[7] Điều 59.3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[8] Tham khảo “Ly hôn gặp khó biết hỏi ai” – Luật sư Nguyễn Hữu Phước-Luật sư Lạc Thuỵ Tú Duy