Chấm dứt hợp đồng lao động do sáp nhập công ty
Câu hỏi: Công ty tôi đang làm hiện tại được sáp nhập với một công ty khác, công ty mới có thay đổi một số vị trí nên dẫn tới dư thừa và một số nhân viên trong đó có tôi phải thôi việc. Vậy cho tôi hỏi quy trình của công ty sẽ thực hiện như thế nào đối với người lao động khi cho thôi việc. Mong nhận được giải đáp.
Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Luật Nghiệp Thành, vì công ty của bạn đã bị sáp nhập với công ty khác nên công ty cũ bị sáp nhập đã chấm dứt sự tồn tại. Do đó, tổ chức về quản lý, lao động, phòng ban của công ty nhận sáp nhập là công ty mới cũng sẽ có những đặc điểm khác so với công ty cũ của bạn. [1]
Vì thế, đương nhiên sẽ có những vị trí dư thừa dẫn tới thôi việc một số lao động.
Sáp nhập cũng được xem là một hình thức tổ chức lại của công ty như các hình thức khác là chia, tách, hợp nhất. Bên cạnh đó, nếu bán, cho, thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến việc làm của người lao động (NLĐ) thì quy trình xử lý cho thôi việc của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đều sẽ phải thực hiện chung một quy trình như sau:
Đầu tiên, NSDLĐ phải xây dựng phương án sử dụng lao động.[2]
Bao gồm những nội dung như:
– Số lượng và danh sách NLĐ tiếp tục được sử dụng, được đào tạo lại để tiếp tục sử dụng, chuyển sang làm việc không trọn thời gian;
– Số lượng và danh sách NLĐ nghỉ hưu;
– Số lượng và danh sach NLĐ phải chấm dứt HĐLĐ;
– Quyền và nghĩa vụ của NSDLĐ, NLĐ và các bên liên quan;
– Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
Theo đó, có thể thấy với những NLĐ phải nghỉ việc thì đều sẽ được nêu tên cụ thể và rõ ràng trong phương án này.
Thứ hai, Trao đổi ý kiến và thông báo công khai về phương án sử dụng lao động.[3]
Phương án phải trao đổi ý kiến qua tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở. Sau khi đã trao đổi, thống nhất thì NLĐ sẽ được bên NSDLĐ thông báo công khai và NLĐ được thông báo công khai trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bên NSDLĐ đã thông qua.
Thứ ba, Trách nhiệm của NSDLĐ cũ và mới[4]
Sau khi phương án sử dụng lao động đã được thông qua, dù NSDLĐ đã bị thay đổi thì trách nhiệm của các bên này cũng vẫn sẽ thực hiện theo phương án sử dụng lao động. NLĐ vẫn sẽ được NSDLĐ mới thực hiện các vấn đề như chi trả trợ cấp mất việc làm khi không thể sắp xếp công việc.
Cụ thể, NLĐ đã làm việc thường xuyên đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm thì cứ mỗi năm làm việc thì sẽ được trả 01 tháng tiền lương nhưng tối thiểu phải nhận được 02 tháng tiền lương.
Theo đó,
Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc = Tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế – Thời gian NLĐ đã tham gia BHTN – Thời gian đã được chi trả trợ cấp mất việc làm.[5]
* Lưu ý: Nếu thời gian làm việc để tính trợ cấp thất nghiệp ít hơn 24 tháng thì NLĐ sẽ được chi trả trợ cấp mất việc ít nhất sẽ bằng 02 tháng tiền lương.[6]
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Chấm dứt hợp đồng lao động do sáp nhập công ty”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2021
[2] Điều 43.1 Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 44.2 Bộ luật Lao động 2019
[4] Điều 43 Bộ luật Lao động 2019
[5] Điều 8.3 Nghị định 145/2020/NĐ-CP
[6] Điều 8.2 Nghị định 145/2020/NĐ-CP