Cấp phép hoạt động trung tâm giáo dục kỹ năng sống
Điều kiện và thủ tục xin cấp phép hoạt động trung tâm giáo dục kỹ năng sống. Trong cuộc sống thường nhật hằng ngày, có biết bao vấn đề rủi ro xảy ra mà cá nhân không thể nào lường trước được. Nếu không có đủ một nền tảng kỹ năng sống vững chắc, cá nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bất trắc trên đường đời, thậm chí là mất mạng khi gặp phải những tình huống tréo ngoe bất ngờ ập đến. Cũng chính vì vậy, mà việc giáo dục kỹ năng sống cho cá nhân là trẻ em và người lớn: kỹ năng đưa ra quyết định, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thoát hiểm,….là vô cùng cần thiết, để họ có thêm sức mạnh và bản lĩnh để hoàn thiện nhân cách của mình, sống tích cực hơn, có niềm tin, có động lực để vượt qua trở ngại trên đường đời.
Đứng trước yêu cầu giáo dục kỹ năng sống đó, một yêu cầu đã và đang được mọi người dân ngày càng quan tâm và chú ý, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống tích cực đẩy mạnh thành lập cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Song để hoạt động được, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống cần phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục cấp phép theo quy định pháp luật.
- Điều kiện xin cấp phép hoạt động trung tâm giáo dục kỹ năng sống:
Trước hết, để có thể hoạt động, trung tâm giáo dục kỹ năng sống cần thỏa 03 điều kiện (i), (ii), (iii,) cụ thể như sau: [1]
(i) Điều kiện đối với cơ sở vật chất
+ Trung tâm phải có đầy đủ phòng học và các phòng chức năng, đảm bảo yêu cầu vệ sinh trường học theo quy định pháp luật.
+ Ngoài ra, thiết bị dạy học phải đảm bảo an toàn, phù hợp với nội dung dạy học, hoạt động và tâm lý lứa tuổi người học.
(ii) Điều kiện đối với người dạy (giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên)
+ Người dạy phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm; am hiểu các lĩnh vực kỹ năng sống hoặc hoạt động giáo dục có liên quan;
+ Có đầy đủ sức khỏe, không bị vi phạm kỷ luật từ cảnh cáo trở lên và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
(iii) Điều kiện đối với giáo trình, tài liệu
+ Cơ sở giáo dục kỹ năng sống phải có đủ giáo trình, tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phê duyệt;
+ Nếu giáo trình, tài liệu do đơn vị tự chọn thì phải được cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoạt động chấp thuận; đảm bảo yêu cầu, có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật.
- Trình tự, thủ tục thực hiện:
2.1 Nộp hồ sơ xin cấp phép hoạt động trung tâm giáo dục kỹ năng sống: [2]
+ Nộp cho hiệu trưởng hoặc giám đốc các trường đại học, cao đẳng nếu trung tâm giáo dục kỹ năng sống là đơn vị ký kết hợp với trường, hoạt động trong khuôn viên trường ĐH, CĐ.
+ Nộp cho Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh/thành phố đối với các đơn vị được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Nếu đơn vị muốn hoạt động trong trường học thì nộp cho Sở và cho hiệu trưởng/giám đốc trường đại học, cao đẳng.
+ Còn đối với các trung tâm giáo dục kỹ năng sống (không được thành lập theo quy định Luật doanh nghiệp) hoạt động tại các trường trung cấp chuyên nghiệp, THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên…và các đơn vị trực thuộc thì không cần xin cấp phép nhưng phải đến Sở giáo dục và đào tạo có thẩm quyền xin xác nhận. Tương tự, các trung tâm giáo dục kỹ năng sống thuộc nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT có cấp học cao nhất là THCS phải xin giấy xác nhận, nhưng khác ở chỗ là xin xác nhận ở Phòng giáo dục và đào tạo.[3]
– Thành phần hồ sơ (1 bộ), gồm có:
(i) Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục kỹ năng sống, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa;
(ii) Giấy phép đăng ký kinh doanh (Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp);
(iii) Danh sách, lý lịch trích ngang kèm theo các minh chứng hợp lệ về ban lãnh đạo, người dạy;
(iv) Kế hoạch hoạt động, giáo trình, tài liệu giảng dạy, huấn luyện.
2.2 Nhận kết quả hồ sơ: [4]
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, người có thẩm quyền sẽ cấp phép. Trường hợp không đồng ý cấp phép sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Phí, lệ phí: không có.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về điều kiện và thủ tục xin cấp phép hoạt động đối với trung tâm giáo dục kỹ năng sống.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 4, Điều 5, Điều 6 Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT.
[2] Điều 7.1 và 7.2 Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT.
[3] Điều 8.1a và Điều 8.1b Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT.
[4] Điều 7.3b Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT.