Các vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn

Các vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn

Các vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn

Nhắc đến “Dịch bệnh động vật” mọi người đều biết rằng thời gian vừa qua. Nước ta đã trải qua dịch Tả lợn châu Phi gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại gần đây. Dịch cúm gia cầm A/H5N1 cũng gây ra nhiều hệ lụy đến ngân sách, người chăn nuôi và sức khỏe cộng đồng sau nhiều năm kể từ lúc phát hiện dịch. Ngoài các bệnh dịch trên, bệnh dại là một trong những loại bệnh dịch có diễn biến phức tạp với số người tử vong ngày một tăng cao. Theo Báo cáo của Cục Y tế dự phòng, đến hết tháng 7/2019, cả nước đã ghi nhận 46 người chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố.

Vậy “Dịch bệnh động vật” là gì? Đó là sự xuất hiện bệnh truyền nhiễm của động vật thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.”[1] Theo đó, Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm của động vật, gây thiệt hại lớn về kinh tế – xã hội hoặc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giữa động vật và người. Về phân loại, dịch bệnh động vật gồm có dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản.

Do vậy, trước những nguy cơ dịch bệnh có thể xảy đến, điều trước tiên phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó, chuẩn bị và có những biện pháp kịp thời. Đã có nhiều Hội nghị triển khai các kế hoạch phòng, chống bệnh dịch cụ thể như cúm gia cầm, dịch tả, bệnh dại… ở nhiều địa phương.[2] Nhưng vẫn luôn cần có sự chung sức của các cá nhân, cơ sở, hộ chăn nuôi, vật nuôi. Vì có sự tham gia của họ là một trong những nhân tố chính góp phần giúp phòng, kiểm soát và chống dịch bệnh hiệu quả.

Sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ nêu ra những mức phạt trong vi phạm về phòng, chống dịch bệnh ở động vật, điển hình là ở động vật trên cạn và cả cách đề phòng mà người chăn nuôi, người buôn bán nên chú ý.

  • Quy định pháp luật

Xử phạt hành chính

+ Vi phạm quy định về phòng bệnh động vật trên cạn

Người chăn, nuôi không thực hiện phòng bệnh bằng vắc xin hoặc các biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 300.000 đồng.[3]

Ngoài ra, có sự thay đổi mức phạt đối với các chủ nuôi chó sẽ bị phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng đối với các hành vi[4]:

– Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;

– Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Nên chú ý nếu không thực hiện cách ly, chăm sóc, chữa bệnh cho động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 – 1.500.000 đồng[5]. Bên cạnh đó, là một số hành vi liên quan đến vi phạm về thực hiện, chấp hành các thủ tục, đảm bảo giấy chứng nhận,.. cũng có các mức phạt cao.[6]

Hơn nữa, mức phạt cao nhất là 6.000.000 – 8.000.000 đồng[7] nếu

– Giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch. Và phải buộc tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật đối với hành vi này.

– Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, ấp nở trứng gia cầm hoặc kinh doanh gia súc, gia cầm tại địa điểm không theo quy hoạch hoặc không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

+ Vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn

Người chăn nuôi nên lưu ý một số hành vi như:[8]

– Không tuân thủ hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y khi chữa bệnh cho động vật trong ổ dịch, vùng có dịch.

Document

– Chăn thả động vật mắc bệnh dịch ở các bãi chăn chung.

– Không chấp hành việc sử dụng vắc xin hoặc các biện pháp phòng, chống dịch bắt buộc khác tại vùng có dịch.

– Giết mổ, lưu thông, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật dễ nhiễm bệnh dịch đã công bố trong vùng có dịch không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

– Giết mổ, xử lý động vật, xác động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, sản phẩm động vật mang mầm bệnh (thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch) nhưng không theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

– Vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh dịch đã được công bố trong vùng bị dịch uy hiếp.

– Mang đi tiêu thụ thân thịt, phụ phẩm, sản phẩm khác của động vật bị giết mổ bắt buộc chưa được xử lý bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y.

– Chăn nuôi hoặc xuất bán động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khi cơ quan thú y có thẩm quyền đã yêu cầu phải giết mổ bắt buộc hoặc tiêu hủy.

– Không tiêu hủy, giết mổ bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Các vi phạm về chống dịch bệnh động vật trên cạn nêu như trên tùy theo từng hành vi sẽ có mức phạt tối thiểu là 500.000 đồng[9] và tối đa là 40.000.000 đồng[10].

Bên cạnh đó, còn có biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc tiêu hủy động vật và các sản phẩm động vật.[11]

Xử lý hình sự

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự cũng quy định các tội liên quan đến dịch bệnh động vật, chẳng hạn như:

+ Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người gồm có các hành vi:

– Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, sản phẩm động vật, hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người.

– Đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật hoặc sản phẩm động vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm cho người.

– Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Đối với các hành vi trên có thể bị phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng và bị phạt tù tối đa 12 năm tù.[12]

+ Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật gồm có các hành vi:

– Đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch động vật, sản phẩm động vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh.

– Đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, sản phẩm động vật thuộc diện kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch.

– Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật.

Nếu vi phạm các hành vi trên người phạm tội có thể bị phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng và có mức phạt tù tối đa là 07 năm tù.[13]

2) Cách đề phòng

Đa số các ổ dịch ở lợn hay gà đều phát sinh từ các cơ sở, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn hoặc thực hiện nhưng chưa chặt chẽ. Bên cạnh đó, đối với bệnh dại, người nuôi chó, mèo thường không tuân thủ các quy định để đảm bảo an toàn cho vật nuôi hoặc người xung quanh. Do vậy, để phòng chống dịch bệnh hiệu quả rất cần ý thức của những người chăn nuôi, chủ vật nuôi, dưới đây sẽ là các cách đề phòng:

– Thứ nhất, tiêm phòng vắc xin cúm cho động vật nuôi.

Đối với gà, heo thì các hộ chăn nuôi nên tự mua vắc xin tiêm phòng. Đồng thời, đảm bảo điều kiện vệ sinh chăn nuôi như lau dọn chuồng sạch sẽ, chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học nhằm tăng cường sức đề kháng.

Với chó hay mèo nên tiêm vắc xin ngừa dại và rọ mõm, xích giữ và chăn dắt khi đến các nơi công cộng. Trường hợp bị chó mèo cắn, phải tiêm vắc xin ngừa dại ngay lập tức, tuyệt đối không được mất cảnh giác đối với bệnh dại. Vì khi đã lên cơn dại thì 100% đều tử vong.

– Thứ hai, tránh sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp giữa vật nuôi nhà và hoang dã. Bên cạnh đó, không cho mượn hay dùng chung dụng cụ giữa các trại hoặc hàng xóm với nhau. Lưu ý không được chuyển heo, gà từ chợ bán gia súc về lại trại. Nếu cần đưa về trại thì heo cần phải được cách ly 14 ngày trước khi nhập đàn.

– Thứ ba, khi phát hiện có đối tượng bị bệnh, thực hiện phòng dịch từ xa, cách ly các con vật bị nhiễm bệnh và phun hóa chất khử trùng tiêu độc. Đặc biệt, phun khử trùng những vật trung gian như xe vận chuyển gia súc, dọn dẹp sạch sẽ, xử lý chất thải từ chuồng trại sao cho hợp vệ sinh. Phun rửa một hoặc hai tiếng chất khử trùng thì mới được vào chuồng trại, nên tiếp tục phun khử trùng một lần nữa để đảm bảo an toàn.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Các vi phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

[1] ĐIỀU 3.8 Luật Thú y 2015

[2] Thông tin từ Cục Thú y

[3] Điều 7.1 NĐ 90/2017

[4] Điều 2.3 NĐ 04/2020 sửa đổi, bổ sung “Điều 7.2 NĐ 90/2017”

[5] Điều 7.3 NĐ 90/2017

[6] Điều 7.4, 5, 6 NĐ 90/2017

[7] Điều 7.7 NĐ 90/2017

[8] Điều 8 NĐ 90/2017

[9] Điều 8.1 NĐ 90/2017

[10] Điều 2.4.c NĐ 04/2020 sửa đổi, bổ sung “Điều 8.7.b NĐ 90/2017”

[11] Điều 2.4.d NĐ 04/2020 sửa đổi, bổ sung “Điều 8.8 NĐ 90/2017”

[12] Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[13] Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

 

 

Document
Categories: Môi Trường
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*