Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước
Thẻ căn cước từ ngày 01/7/2024 sẽ chính thức được áp dụng và cấp cho công dân thực hiện cấp thẻ căn cước. Công dân đang sử dụng Căn cước công dân (“CCCD”) còn hiệu lực thì vẫn tiếp tục sử dụng mà không phải thực hiện cấp đổi sang thẻ căn cước. Bạn đọc tham khảo thêm tại bài viết Người dân có phải đổi CCCD đã cấp thành thẻ căn cước không?.
Để phù hợp hơn nhu cầu người dân, sự phát triển đa dạng của xã hội, tính cần thiết hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Luật căn cước 2023 đã bổ sung một số trường hợp được cấp đổi thẻ căn cước đáng chú ý. Sau đây, Luật Nghiệp Thành thông tin đến bạn đọc các trường hợp cấp đổi như sau:
Cấp đổi thẻ căn cước[1]
1. Công dân đến độ tuổi phải đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.[2]
Để biết cụ thể thời điểm, hiện tại trên CCCD của mỗi người mặt trước CCCD sẽ có dòng chữ, ví dụ như “Có giá trị đến: 01/10/2025”. Trong đó, ngày tháng được tính dựa theo ngày tháng sinh của công dân được cấp CCCD. Cũng tương tự như căn cước được cấp mới, người dân có thể xem trên mặt trước căn cước để biết thời hạn căn cước của mình.
Tuy nhiên, nếu thẻ căn cước của công dân được làm trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước thì thẻ căn cước vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.
Ví dụ: Anh A, 24 tuổi, đi làm thẻ căn cước vào tháng 8/2024. Nhưng năm sau là năm anh A đủ 25 tuổi để cấp đổi căn cước nhưng anh A không phải cấp đổi căn cước năm sau. Vì theo quy định nếu làm thẻ căn cước trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp thẻ là 25 tuổi thì anh A dù chỉ còn 01 năm phải đến tuổi cấp thẻ, thẻ căn cước công dân của anh vẫn sẽ để thời hạn đến năm đủ 40 tuổi.
2. Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh
Trong quá trình truy vấn các dữ liệu về họ tên, ngày tháng năm sinh của công dân lên cơ sở dữ liệu quốc gia thì các thông tin cơ bản trên thường bị sai, nhầm lẫn nên để tránh ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính cá nhân liên quan như cấp lý lịch tư pháp, thừa kế, di chúc, mua bán nhà đất, v.v…thì công dân có thể cấp đổi lại thẻ căn cước để cải chính lại thông tin.
3. Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật
Thứ nhất, Nhân dạng được định nghĩa là những đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để nhận diện, phân biệt người này với người kia.[3] Còn khuôn mặt và vân tay là hai thông tin sinh trắc học cần có khi thực hiện cấp thẻ căn cước. Do đó, nếu các thông tin này thay đổi thì người dân cần cấp đổi căn cước để thực hiện bổ sung thông tin.
Thứ hai, xác định lại giới tính được hiểu là cá nhân đó thuộc trường hợp bị khuyết bẩm sinh về giới tính, bất thường ở bộ phận sinh dục từ khi mới sinh ra hoặc cá nhân đó có nhiễm sắc thể giống trường hợp nữ lưỡng giới giả nam, hoặc nam lưỡng giới giả nữ, hoặc lưỡng giới thật nhưng mang bộ phận sinh dục chưa được biệt hóa hoàn toàn và không thể xác định chính xác giới tính.[4] Do đó, khi công dân thuộc trường hợp phải xác định lại giới tính thì cần xác định lại giới tính tại cơ sở y tế. Tiếp theo, công dân đó cần cấp đổi căn cước để cập nhật lại thông tin về giới tính.
Bạn đọc tham khảo thêm tại bài viết “Quyền xác định lại giới tính diễn ra khi nào?”
Thứ ba, Chuyển đổi giới tính đã được pháp luật công nhận tại Bộ luật dân sự 2015. Khi cá nhân đã chuyển đổi giới tính thì có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch, có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi.[5] Tuy nhiên, hiện tại Luật chuyển đổi giới tính vẫn chưa được ban hành, nên quyền lợi của người chuyển giới vẫn chưa được bảo đảm.
Nắm bắt dự thảo Luật chuyển đổi giới tính đang được tiến hành, nên việc cá nhân đã chuyển đổi giới tính sẽ cần thực hiện cấp đổi thẻ căn cước đã được quy định tại Luật căn cước mới trong khi nội dung này trước đây vẫn chưa được đề cập đến.
4. Có sai sót thông tin in trên thẻ căn cước
Đây là trường hợp trên thẻ căn cước của công dân có thông tin bị in sai thì cần thực hiện cấp đổi để tránh phiền hà khi thực hiện các thủ tục cá nhân liên quan.
5. Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin bị thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính
Trong thời gian vừa qua, cả nước đã lên nhiều kế hoạch thực sắp xếp lại nhiều đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức ở các địa phương. Do đó, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính mà làm thay đổi địa chỉ của người dân trên thẻ căn cước thì người dân có thể thực hiện thủ tục cấp đổi để đảm bảo thông tin được chính xác.
6. Xác lập lại số định danh cá nhân
Trong quá trình cả nước chuyển từ số CMND sang cấp mã số định danh cho công dân đã có không ít trường hợp nhiều công dân bị trùng mã định danh với công dân khác, sai thông tin mã định danh như về giới tính, năm sinh, mã vùng, v.v…. Do đó, để cấp lại mã định danh chính xác thì mã định danh đó sẽ được Bộ công an hủy và xác lập lại mã định danh mới. Vì vậy, công dân cần thực hiện thủ tục cấp đổi căn cước khi đã được cấp lại mã định danh mới.
7. Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu
Nếu công dân yêu cầu cấp thẻ ngoài các trường hợp cấp đổi trên và không thuộc trường hợp cấp lại (hư hỏng, mất thẻ) thì khi được cơ quan cấp thẻ xem xét được cấp đổi thì sẽ tiến hành cấp đổi.
Trường hợp nào không phải đóng lệ phí cấp đổi?[6]
Ngoại trừ cấp đổi thẻ căn cước do đến độ tuổi phải cấp đổi và do sắp xếp đơn vị hành chính thì công dân mới không phải nộp lệ phí cấp đổi. Với các trường hợp còn lại khi công dân thực hiện cấp đổi thẻ thì phải nộp lệ phí. Hiện nay lệ phí cấp đổi thẻ căn cước chưa được quy định cụ thể, nhưng mức lệ phí cấp đổi CCCD theo quy định hiện tại là 50.000 đồng/thẻ.[7]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyên Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 24.1 Luật căn cước 2023
[2] Điều 21 Luật căn cước 2023
[3] Điều 3.2 Luật căn cước 2023
[4] Điều 36 Bộ luật dân sự 2015
[5] Điều 37 Bộ luật dân sự 2015
[6] Điều 38 Luật Căn cước 2023
[7] Điều 4.2 Thông tư 59/2019/TT-BTC