Cá nhân kêu gọi từ thiện
Chính Phủ vừa ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Đây được xem là quy định mới để khắc phục những bất cập trong quy định về kêu gọi từ thiện cũ, gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua. Vậy theo quy định mới, cá nhân có được tham gia kêu gọi đóng góp từ thiện hay không? Và phải đáp ứng điều kiện như thế nào? Bạn hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu qua bài viết sau.
Cá nhân có được kêu gọi từ thiện không?
Theo quy định của Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/12/2021 thì cá nhân chính thức được thừa nhận có quyền vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Như vậy, hiện nay cá nhân chính thức được kêu gọi từ thiện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Điều kiện để cá nhân kêu gọi từ thiện
Nghị định 93/2021/NĐ-CP quy định rất chặt chẽ về việc kêu gọi từ thiện của cá nhân. Cá nhân muốn vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải đáp ứng những điều kiện sau:
Thứ nhất, phải có năng lực hành vi dân sự[1]
Thứ hai, cá nhân phải thực hiện thông báo bằng văn bản về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, thời gian caQ21`m kết phân phối theo mẫu[2] đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cá nhân cư trú. Đặc biệt, trong văn bản phải có cam kết về thời gian phân phối tiền và hiện vật đã vận động.[3]
Thứ ba, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện. Phải có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện nếu được tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu, không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi đã kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và phải thông báo đến ngân hàng nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện[4].
Thứ tư, cá nhân phải thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận từ thiện để cùng phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết[5].
Thứ năm, cá nhân phải thực hiện mở sổ ghi chép đầy đủ thông về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ và thực hiện công khai đóng góp tự nguyện[6].
Như vậy, cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo phải đáp ứng những điều kiện theo quy định tại Nghị định 93/2021/NĐ-CP và chịu giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước. Đây được xem là bước đi giúp tháo gỡ được những khó khăn trong quy định cũ và những tranh cãi về vấn đề từ thiện trong thời gian qua.
Trên đây là những tư vấn về “Cá nhân kêu gọi từ thiện”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tiến Thành
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 2.1 (h) Nghị định 93/2021/NĐ-CP
[2] Đính kèm với Nghị định 93/2021/NĐ-CP.
[3] Điều 17.1 Nghị định 93/2021/NĐ-CP
[4] Điều 17.2 Nghị định 93/2021/NĐ-CP
[5] Điều 18.1 Nghị định 93/2021/NĐ-CP
[6] Điều 19.3 Nghị định 93/2021/NĐ-CP