Bị tai nạn trên đường đi và về từ nhà đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động?
Tình huống: Có một công nhân hiện đang làm công việc may mặc tại công ty chúng tôi. Chiều thứ 6 tuần trước, trên đường đi làm về, chị Nhâm bị giật túi xách nên bị té xuống đường, lúc này có xe máy từ phía sau đang đi tới và không kịp dừng lại nên đã tông thẳng vào người chị, chấn thương khá nghiêm trọng (chúng tôi đã xác minh đây là con đường mà chị này vẫn luôn đi từ cơ quan về nhà). Chúng tôi không biết trong trường hợp này của chị Nhâm có được xem là tai nạn lao động hay không? Mong luật sư sớm phản hồi. Xin cảm ơn.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến với Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:
1) NLĐ bị tai nạn trên đường đi và về từ nhà đến nơi làm việc có được xem là tai nạn lao động?
Tai nạn lao động bao gồm những tai nạn xảy ra trong quá trình lao động, khi người lao động (NLĐ) đang thực hiện các công việc, nhiệm vụ của mình. Mà tai nạn đó gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận hay chức năng nào của cơ thể, thậm chí là làm NLĐ bị tử vong[1].
Theo Pháp luật về an toàn và vệ sinh lao động hiện hành thì khi NLĐ bị tai nạn trên tuyến đường từ nhà đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nhà trong một khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý và thuộc một trong các trường hợp quy định thì sẽ được hưởng các khoản trợ cấp từ NSDLĐ và tiền bảo hiểm tai nạn lao động[2].
Mặc dù, luật không quy định rõ thế nào là “khoảng thời gian hợp lý” và thế nào là “tuyến đường hợp lý” để làm căn cứ xác định tai nạn lao động. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu hai khái niệm này như sau: Trong “khoảng thời gian hợp lý” là khoảng thời gian cần thiết để đến nơi làm việc trước giờ làm việc hoặc trở về sau giờ làm việc; còn “tuyến đường hợp lý” là tuyến đường NLĐ thường xuyên đi và về từ nơi người đó thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú đến nơi làm việc và ngược lại.
Việc xác định tai nạn đó xảy ra có trong một khoảng thời gian và trên tuyến đường hợp lý hay không sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự xác nhận cũng như nhận định của cơ quan công an, đoàn thanh tra thuộc Sở Lao động –Thương binh và Xã hội khi các cơ quan này tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động. Do đó, chỉ khi các cơ quan trên xác nhận rằng vụ tai nạn thỏa mãn được các điều kiện về thời điểm cũng như địa điểm xảy ra tai nạn thì NLĐ mới được hưởng khoản trợ cấp, tiền bảo hiểm tai nạn lao động.
2) Trong trường hợp NLĐ bị tai nạn trên đường đi và về từ nhà đến nơi làm việc, NSDLĐ có trách nhiệm ra sao?
Đối với NLĐ bị tai nạn nhưng sẽ không được hưởng các chế độ trợ cấp cũng như tiền bảo hiểm tai nạn lao động nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Do mâu thuẫn của NLĐ đó với người gây ra tai nạn. Mà mâu thuẫn đó không hề liên quan đến việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động[3];
+ Tai nạn xảy ra do NLĐ đó cố ý thực hiện nhằm hủy hoại sức khỏe của bản thân[4];
+Do NLĐ sử dụng ma túy, rượu bia hoặc các chất kích thích khác khiến người này không làm chủ được hành vi và dẫn đến tai nạn[5].
Ngoài các trường hợp nêu trên, nếu tai nạn xảy ra đối với NLĐ do lỗi của người khác hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì NSDLĐ có nghĩa vụ chi trả trợ cấp cho NLĐ[6]. Mức chi trả tùy theo mức suy giảm khả năng lao động của NLĐ như sau:
Chúng tôi sẽ lấy ví dụ minh họa thực tế là: Trường hợp tai nạn lao động của anh A, có mức lương 8 triệu/tháng (lương này đã bao gồm phụ cấp và các khoản bổ sung).
Mức suy giảm | Mức trợ cấp |
Trợ cấp đối với tai nạn do người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn | |
Suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động[7] | Trong trường hợp này NLĐ được hưởng trợ cấp ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương. Ví dụ: Trong trường hợp này anh A được hưởng trợ cấp như sau: Tiền trợ cấp = 8.000.000 đồng x 1,5 = 12.000.000 đồng. |
Suy giảm từ 11% đến 80% khả năng lao động[8] | Khi mức suy giảm khả năng lao động tăng cứ 1% sẽ bằng 1,5 tháng tiền lương cộng thêm 0,4 tháng tiền lương. Ví dụ: Cũng trường hợp như anh A nêu trên, nếu anh này suy giảm 11% khả năng lao động thì anh này được hưởng trợ cấp: Tiền trợ cấp = 8.000.000 đồng x 1,5 + 8.000.000 đồng x 0.4 = 15.200.000 đồng. Và nếu anh này suy giảm 11% khả năng lao động thì anh này được hưởng trợ cấp: Tiền trợ cấp = 8.000.000 đồng x 1,5 + 8.000.000 đồng x (0.4 + 0.4) = 18.400.000 đồng. |
Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên[9] | Khoản trợ cấp này sẽ chi trả cho chính NLĐ đó hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động. Trong trường hợp này NLĐ được hưởng trợ cấp ít nhất bằng 30 tháng tiền lương. Ví dụ: Trong trường hợp này anh A được hưởng trợ cấp như sau: Tiền trợ cấp = 8.000.000 đồng x 30 = 240.000.000 đồng. |
Trợ cấp đối với tai nạn do chính NLĐ tự gây ra[10] NLĐ được hưởng trợ cấp với khoản tiền bằng 40% khoản tiền trợ cấp đối với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng (trường hợp tai nạn do người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn). | |
Suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động | Ví dụ: Trường hợp như anh A ở trên thì anh này sẽ được hưởng khoản trợ cấp như sau: Tiền trợ cấp = 8.000.000 đồng x 1,5 x 40% = 4.800.000 đồng. |
Suy giảm từ 11% đến 80% khả năng lao động | Ví dụ: Trong trường hợp anh A bị suy giảm khả năng lao động 11% thì được hưởng trợ cấp như sau: Tiền trợ cấp = [8.000.000 đồng x 1,5 + 8.000.000 đồng x (0.4 + 0.4)] x 40% = 6.080.000 đồng. |
Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên | Ví dụ: Trong trường hợp này anh A được hưởng trợ cấp như sau: Tiền trợ cấp = (8.000.000 đồng x 30) x 40% = 96.000.000 đồng. |
Lưu ý: + Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ trợ cấp sẽ bao gồm: Mức lương cơ bản, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác (nếu có)[11]. + Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người thì NSDLĐ phải thực hiện trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động[12]. |
3) Hưởng tiền bảo hiểm tai nạn lao động
Ngoài khoản trợ cấp nêu trên thì NLĐ bị tai nạn lao động trên đường đi và về từ nhà đến nơi làm việc (với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên[13] và tai nạn do người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn[14]) còn được hưởng một khoản tiền bảo hiểm tai nạn lao động[15] nếu người này có tham gia chế độ BHXH bắt buộc.
Trong trường hợp NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc tuy nhiên NSDLĐ lại không đóng bảo hiểm cho họ thì ngoài khoản tiền trợ cấp tai nạn lao động nêu trên thì NSDLĐ phải trả một khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động mà lẽ ra người này phải được hưởng[16].
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thỏa thuận bảo mật thông tin trong hợp đồng lao động”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương
Ngày cập nhập, bổ sung: 19.10.2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 3.8 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[2] Điều 39.2 và Điều 45.1.9c) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[3] Điều 40.1.(a) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[4] Điều 40.1.(b) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[5] Điều 40.1.(c) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[6] Điều 39.2 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[7] Điều 38.4.(a) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[8] Điều 38.4.(a) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[9] Điều 38.4.(b) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[10] Điều 38.5 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[11] Điều 38.10 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[12] Điều 38.7 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[13] Điều 45.2 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[14] Điều 45.3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[15] Điều 45.1.(c) Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015
[16] Điều 39.4 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015