Bị hủy sảnh cưới sát giờ G, đòi bồi thường như thế nào?
Ngày cưới đang đến gần, thiệp mời đã gửi đi, mọi thứ tưởng chừng như đã sẵn sàng cho ngày trọng đại nhất cuộc đời. Bỗng nhiên, bạn nhận được thông báo từ trung tâm tiệc cưới: “Vì sự cố kỹ thuật, ngoài ý muốn chúng tôi không thể phục vụ tiệc của bạn như đã cam kết.” Họ đề nghị bạn chuyển sang một sảnh tiệc khác nhỏ hơn, hoặc nhận lại tiền cọc và một khoản tiền đền bù. Đây là một cơn ác mộng có thật đối với nhiều cặp đôi. Trong khoảnh khắc hoảng loạn, nhiều người đã vội vàng chấp nhận đề nghị của nhà hàng mà không biết rằng, pháp luật bảo vệ họ nhiều hơn thế.
1. Hành vi vi phạm hợp đồng của trung tâm tiệc cưới:
Khi bạn đặt cọc để giữ một sảnh tiệc cụ thể vào một ngày giờ cụ thể, đó là một hợp đồng có giá trị pháp lý. Việc trung tâm tiệc cưới không thể cung cấp đúng sảnh tiệc như đã thỏa thuận chính là hành vi vi phạm hợp đồng. Việc họ đề nghị một phương án thay thế (sảnh nhỏ hơn, kém sang trọng hơn) không có nghĩa là họ đang “khắc phục”. Đó thực chất là một lời đề nghị cho một hợp đồng mới với điều khoản bất lợi hơn, và bạn hoàn toàn có quyền từ chối.
2. Quyền lợi của bạn:
Đây là điểm quan trọng nhất mà rất nhiều khách hàng bỏ lỡ. Các điều khoản “hủy thì mất cọc, nhà hàng hủy thì đền gấp đôi” chỉ là một phần nhỏ trong tổng số quyền lợi của bạn. Theo quy định bạn có quyền yêu cầu 2 khoản tiền hoàn toàn độc lập:
a) Phạt cọc:[1]
Đây là quyền lợi mặc nhiên của bạn khi bên nhận cọc từ chối thực hiện hợp đồng.
Ví dụ: Bạn đặt cọc 20 triệu đồng. Khi trung tâm hủy kèo, họ phải trả lại bạn 40 triệu tiền cọc và đền một khoản tương đương 20 triệu tiền phạt. Tổng cộng bạn chắc chắn nhận được là 40 triệu đồng.
Đây là mức sàn, là khoản phạt cho hành vi “bội tín” của họ, bạn không cần phải chứng minh bất kỳ thiệt hại nào để nhận khoản này.
b) Bồi thường thiệt hại:[2]
Đây là khoản tiền cộng thêm vào tiền phạt cọc, nhằm bù đắp cho những tổn thất thực tế, trực tiếp mà bạn phải gánh chịu do hành vi vi phạm của họ gây ra. Hãy bình tĩnh và liệt kê chi tiết tất cả các thiệt hại sau:
i) Nếu bạn phải đặt một địa điểm khác tương đương hoặc thậm chí đắt hơn do thời gian gấp rút, phần chênh lệch này là thiệt hại mà trung tâm cũ phải bồi thường.
ii) Toàn bộ chi phí in lại thiệp cưới, phông bạt, bảng chỉ dẫn… có địa điểm mới.
iii) Chi phí liên lạc (điện thoại, tin nhắn, gửi thư) để báo cho khách mời về sự thay đổi.
iv) Tổn thất từ các dịch vụ khác: Các khoản cọc không thể lấy lại từ nhiếp ảnh gia, ban nhạc, MC, trang trí… nếu họ không thể sắp xếp theo lịch trình hoặc địa điểm mới.
v) Tổn thất về tinh thần.
Như vậy, tổng số tiền bạn có quyền yêu cầu = (Tiền cọc + Tiền phạt cọc) + Toàn bộ thiệt hại thực tế.
3. Việc bạn cần làm:
i) Giữ lại toàn bộ hợp đồng đặt cọc, phiếu thu, tin nhắn, email, ghi âm cuộc gọi… về việc đặt cọc và cả thông báo hủy từ phía trung tâm.
ii) Lập một danh sách chi tiết tất cả các thiệt hại vật chất kèm theo hóa đơn, chứng từ (nếu có).
iii) Soạn thảo một văn bản (email hoặc thư có báo phát) gửi đến người có thẩm quyền của trung tâm. Trong đó, nêu rõ hành vi vi phạm và liệt kê các khoản yêu cầu bồi thường.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Bị hủy sảnh cưới sát giờ G, đòi bồi thường như thế nào?”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Người kiểm duyệt: Nguyễn Linh Chi
[1] Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015.
[2] Điều 360, 419 Bộ luật Dân sự 2015.
Views: 1