Ai được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện?
Ai được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện?
Hiện nay bảo hiểm thương mại về tai nạn lao động khá phổ biến, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do tính thương mại của nó. Vì vậy, việc quy định của Chính phủ về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là một giải pháp hiệu quả. Vậy ai sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm này?
1. Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Tai nạn lao động là rủi ro khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thế lúc này chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đóng vai trò quan trọng trong việc giám định mức độ suy giảm khả năng lao động[1] của người lao động khi gặp tai nạn trong quá trình làm việc. Dựa trên kết quả giám định sẽ xác định mức độ tổn thương và đưa ra mức trợ cấp hợp lý, nhằm hỗ trợ người lao động khôi phục sức khỏe và ổn định cuộc sống.
2. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bảo vệ quyền lợi người lao động gặp rủi ro, nhưng chỉ áp dụng cho một số đối tượng nhất định, bao gồm:
– Người lao động từ 15 tuổi trở lên, làm việc không theo hợp đồng lao động, không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
– Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
3. Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Để được giám định mức độ suy giảm khả năng lao động và được hưởng mức trợ cấp từ đó, người lao động cần đáp ứng các điều kiện[2] sau:
– Người lao động bị tai nạn lao động và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên. Suy giảm khả năng lao động được thực hiện trong các trường hợp bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã điều trị ổn định nhưng còn di chứng, hoặc tái phát đã được điều trị ổn định hoặc bị thương tật, bệnh nghề nghiệp mà không thể điều trị ổn định theo quy định của Bộ Y tế.[3]
– Không rơi vào các trường hợp tai nạn phát sinh từ mâu thuẫn cá nhân giữa nạn nhân và người gây ra thiệt hại không liên quan đến công việc; do người lao động tự gây ra để hủy hoại sức khỏe; hoặc do sử dụng trái phép ma túy, chất gây nghiện.
Nghị định 143/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Tham khảo bài viết có liên quan “Mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện” và “Trợ cấp tai nạn lao động tự nguyện”
Trên đây là nội dung tư vấn về “Ai được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện?”
Nếu các bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan toả tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Đỗ Thị Hồng Giao
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 4.1 Nghị định 143/2024/NĐ-CP
[2] Điều 5 Nghị định 143/2024/NĐ-CP
[3] Điều 47.1 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015