Xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn
(Cập nhật, bổ sung ngày 23/07/2024)
Một trong những vấn đề gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sinh hoạt, làm việc của mọi người dân trong xã hội hiện đại là “tiếng ồn”. Hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội thì vấn đề về tiếng ồn thực sự là vấn đề đáng lưu tâm, chính bởi sự phiền toái, khó chịu mà nó mang đến cho mỗi người chúng ta. Tiếng ồn có thể xuất phát từ nhà hàng xóm đang hát karaoke; có thể là tiếng máy khoan, máy cắt từ một công trường xây dựng hay cũng có thể là tiếng ồn từ một nhà máy sản xuất. Thực tế, tiếng ồn có khả năng gây ra mối nguy hại cho sức khỏe của mỗi cá nhân cũng như gia đình chúng ta. Để có thể ý thức được quyền cũng như bảo vệ cho sức khỏe của mình và người thân thì mỗi người cần nắm rõ về mức tiếng ồn mà pháp luật quy định cho phép đối với từng khu vực nhất định.
“Tiếng ồn” được pháp luật nước ta xếp vào danh sách những vấn đề về môi trường. Và khi những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về ngưỡng tiếng ồn được cho phép thì những cá nhân, tổ chức đó có thể bị xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.
1. Quy định về mức tiếng ồn được cho phép thực hiện tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh như sau[1]:
Khu vực | Thời gian | |
Từ 6 giờ đến 21 giờ | Từ 21 giờ đến 6 giờ | |
Khu vực đặc biệt | 55 dBA | 45 dBA |
Khu vực thông thường | 70 dBA | 55 dBA |
Trong đó:
– Khu vực cần đặc biệt yên tĩnh: Là nơi cần có sự yên tĩnh cao để có thể thực hiện các hoạt động khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thờ cúng tôn nghiêm,…
– Khu vực thông thường bao gồm:
+ Khu dân cư, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính: Là khu vực chủ yếu được sử dụng để ở và làm các công việc hành chính. Mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khi nằm trong khu vực này đều không được phép gây ra tiếng ồn vượt quá mức giới hạn cho phép.
+ Khu dân cư xen kẽ trong khu vực thương mại, dịch vụ, sản xuất: Là khu vực (có thể bao gồm khu dân cư nằm liền kề hoặc xen kẽ khu vực này) có các hoạt động sản xuất, thương mại và dịch vụ là chủ yếu.
2. Xử phạt hành vi vi phạm quy định về tiếng ồn của các cơ sở sản xuất, kinh doanh
Việc xác định rằng tiếng ồn có vượt quá ngưỡng cho phép hay không thì sẽ do Thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường tại từng địa phương xác định bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ. Đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh vi phạm về tiếng ồn thì có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt sau:
Phạt cảnh cáo: Hình phạt này được áp dụng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép từ 2 dBA trở xuống[2].
Phạt tiền[3]:
Mức độ | Mức tiền phạt |
Độ ồn vượt quá từ 2 dBA đến dưới 5 dBA | 1 triệu – 5 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 5 dBA đến dưới 10 dBA | 5 triệu – 20 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 10 dBA đến dưới 15 dBA | 20 triệu – 40 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 15 dBA đến dưới 20 dBA | 40 triệu – 60 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 20 dBA đến dưới 25 dBA | 60 triệu – 80 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 25 dBA đến dưới 30 dBA | 80 triệu – 100 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 30 dBA đến dưới 35 dBA | 100 triệu – 120 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá từ 35 dBA đến dưới 40 dBA | 120 triệu – 140 triệu đồng |
Độ ồn vượt quá trên 40 dBA | 140 triệu – 160 triệu đồng |
Phạt bổ sung: Tùy thuộc vào mức độ vi phạm thì bên cạnh hình thức phạt tiền nêu trên, các cơ sở, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau[4]:
Mức độ | Hình thức |
Độ ồn vượt quá từ 10 dBA đến dưới 30 dBA | Đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 3 tháng đến 6 tháng |
Độ ồn vượt quá trên 30 dBA | Đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 6 tháng đến 12 tháng |
Các quy định về xử lý hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn hiện nay đã khá đầy đủ, chặt chẽ và nghiêm khắc. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực thi các quy định nêu trên vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều nơi vì cơ quan chức năng còn có thái độ nể nang, “nhẹ tay” cho nên vẫn chưa đảm bảo được tính nghiêm minh cũng như có thể giáo dục, răn đe đối với người vi phạm. Vì vậy, chính quyền địa phương cần phải có biện pháp “rắn”, nghiêm khắc hơn nữa để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, khắc phục cũng như hạn chế tối đa các hành vi vi phạm tiếng ồn.
Chúng tôi cũng đã có bài viết đối với vấn đề vi phạm quy định về tiếng ồn trong khu dân cư. Các bạn có thể tham khảo bài viết “Xử phạt hành vi gây ồn ào, mất trật tự cho những người xung quanh”.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn?”
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
Ngày cập nhật, bổ sung: 23/07/2024
Người cập nhật, bổ sung: Phạm Thị Tuyết Như
[1] Mục 2.2.1 QCVN 26:2010/BTNMT ban hành kèm Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT
[2] Điều 22.1 Nghị định 45/2022/NĐ-CP
[3] Điều 22.2, Điều 22.3, Điều 22.4, Điều 22.5, Điều 22.6, Điều 22.7, Điều 22.8, Điều 22.9, Điều 22.10 Nghị định 45/2022/NĐ-CP
[4] Điều 22.11 Nghị định 45/2022/NĐ-CP
Ngay chỗ e ở tiếng ồn của chổ sản xuất gỗ trên 55 dba thì khỏi kiện đc hok
Chào bạn, dựa trên câu hỏi của bạn Luật Nghiệp Thành xin trả lời như sau:
Đối với hành vi gây tiếng ồn từ 55Dba trở lên thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 140 – 160 triệu đồng với cá nhân, còn tổ chức sẽ có mức phạt gấp 2 lần cá nhân là 280- 320 triệu đồng.
Do vậy bạn có thể làm đơn yêu cầu xử lý vi phạm hành chính tới Uỷ ban nhân dân nơi bạn sinh sống có tiếng ồn. Nhưng phải kèm theo các căn cứ chứng minh tiếng ồn trên.
Và với trường hợp từ 55DbA trở lên thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh là nơi có thẩm quyền xử phạt.
Hoặc có thể làm Đơn khởi kiện ra Tòa án nơi bạn cư trú về hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bạn, để yêu cầu bồi thường thiệt hại. (Điều 26.6 BLTTDS 2015)