Tờ tương phân gia đình: Di chúc hay hợp đồng?

Tờ tương phân gia đình: Di chúc hay hợp đồng?

Tờ tương phân gia đình: Di chúc hay hợp đồng?

Tranh chấp thừa kế thường phát sinh từ chính văn bản người mất để lại. Trong đó, “Tờ tương phân” là loại giấy tờ dễ gây tranh cãi nhất: Liệu đó là di chúc, hợp đồng phân chia di sản, hay chỉ là thỏa thuận dân sự?

Vụ việc điển hình liên quan đến “Tờ tương phân” đã xảy ra trong gia đình chị Hợp, nơi ông nội chị Hợp là chủ sử dụng hợp pháp 11.550m² đất. Năm 2002, ông đã lập một Tờ tương phần chia đất cho các con, có chứng thực tại UBND xã. Phần lớn đất đã tách thửa và được cấp sổ đỏ theo nội dung văn bản này. Riêng chị Hợp do mồ côi cha từ nhỏ, được ông cho 550m². Ông Hòa (bác ruột) được giao quản lý phần đất này, kèm theo lời dặn: Khi chị đủ 18 tuổi, ông Hòa phải giao lại. Tuy nhiên, sau khi ông nội qua đời, chị Hợp yêu cầu nhận lại đất, ông Hòa từ chối, cho rằng phần đất của chị đã được chuyển nhượng và phần còn lại là đất của ông sẽ chia lại theo tỷ lệ phần trăm.

1. Bản chất pháp lý “tờ tương phân”:

Trong vụ việc này, “Tờ tương phân” có đủ dấu hiệu để được xác định là di chúc hợp pháp:[1] (i) Văn bản này thể hiện ý chí đơn phương của ông nội chị Hợp về việc phân chia tài sản sau khi mất; (ii) Việc phân chia có sự chứng thực UBND xã, các con đã căn cứ văn bản này để xin cấp sổ đỏ, tách thửa; (iii) Phần đất của chị Hợp chỉ được nhận sau khi ông mất, thể hiện rõ tính chất định đoạt di sản theo di chúc.

Dưới góc độ khác, văn bản này cũng có thể được xem là một hợp đồng tặng:[2] (i) Ông nội là bên tặng cho, các con cháu là bên được tặng cho; (ii) Với các con, hiệu lực phát sinh ngay; (iii) Riêng chị Hợp, đây là việc tặng cho có điều kiện: phải đủ 18 tuổi mới nhận tài sản; (iv) Ngoài ra, văn bản cũng bao hàm một hợp đồng ủy quyền (trông giữ tài sản) giữa ông nội và ông Hòa, theo đó ông Hòa có nghĩa vụ quản lý và giao lại tài sản khi điều kiện được thỏa mãn.

Dù được phân loại là di chúc hay hợp đồng tặng cho, “ý chí thực” của người lập văn bản là yếu tố quan trọng nhất. Việc các thành viên khác trong gia đình đã công nhận và thực thi văn bản này để được cấp sổ đỏ là một bằng chứng mạnh mẽ về sự đồng thuận hiệu lực của văn bản này.

Document

Trong thực tiễn xét xử, Tòa án có xu hướng bảo vệ ý chí cuối cùng của người để lại tài sản, đặc biệt khi văn bản đã được thi hành trên thực tế và không có dấu hiệu bị giả mạo, cưỡng ép hay lừa dối.

2. Lời khuyên:

Các văn bản như “Tờ tương phân” thường được lập dựa trên sự tin tưởng và thỏa thuận giữa các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, nếu không được xác lập rõ ràng như trường hợp của ông nội chị Hợp, những văn bản này rất dễ trở thành nguồn cơn của các tranh chấp kéo dài.

(i) Đối với người để lại tài sản: Nên lập di chúc, có công chứng hoặc chứng thực, nêu rõ ý chí định đoạt, điều kiện phân chia di sản. Hạn chế sử dụng các văn bản có nội dung không rõ ràng như “tờ phân chia”, “giấy giao đất”.

(ii) Đối với người được giao giữ hộ di sản: Cần lập văn bản ủy quyền riêng, xác lập rõ nghĩa vụ quản lý và thời điểm bàn giao, có chữ ký các bên liên quan và xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

(iii) Đối với người thừa kế: Khi phát hiện quyền thừa kế bị xâm phạm, cần kịp thời thu thập chứng cứ, làm rõ bản chất của văn bản để lại (di chúc hay hợp đồng), và thực hiện đúng trình tự pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Tờ tương phân gia đình: Di chúc hay hợp đồng?”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng

Người kiểm duyệt: Nguyễn Linh Chi

 

[1] Điều 624, 630, 643 Bộ Luật Dân sự.

[2] Điều 457, 462 Bộ Luật Dân sự.

Document
Categories: Gia Đình

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*