Từ ngày 14/2/2025 quy định về dạy thêm đã có hiệu lực. Trong đó, yêu cầu các giáo viên khi có hoạt động dạy thêm tại nhà thì phải đăng ký kinh doanh. Do đó, hộ kinh doanh là một lựa chọn phù hợp với các giáo viên có nhu cầu tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý về quy định các giáo viên thuộc trường công lập thì không được đứng tên chủ hộ kinh doanh[1]. Như vậy, các giáo viên trường tư sẽ được phép mở hộ kinh doanh để dạy thêm. Vậy khi thành lập hộ kinh doanh, giáo viên mở lớp dạy thêm cần chú ý những khoản thuế nào cần phải nộp? Bài viết dưới đây sẽ giải quyết nội dung trên.
1. Các loại thuế phải nộp
Theo Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP, hộ kinh doanh dạy thêm phải nộp các loại thuế sau:
- Lệ phí môn bài
- Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (nếu có doanh thu trên ngưỡng quy định)
- Không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT)[2]
2. Mức nộp lệ phí môn bài năm 2025
Theo Nghị định 139/2016/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 22/2020/NĐ-CP), mức lệ phí môn bài cho hộ kinh doanh dạy thêm như sau:
Doanh thu năm | Mức lệ phí môn bài |
Trên 500 triệu đồng | 1.000.000 đồng/năm |
Trên 300 – 500 triệu đồng | 500.000 đồng/năm |
Trên 100 – 300 triệu đồng | 300.000 đồng/năm |
Dưới 100 triệu đồng | Miễn lệ phí |
3. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
- Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm (dưới 200 triệu từ 01/01/2026) sẽ không phải nộp thuế TNCN.[3]
- Nếu doanh thu trên mức này, thuế TNCN được tính theo công thức:[4]
Thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế x Tỷ lệ thuế TNCN (2%) |
Lưu ý: Doanh thu từ hoạt động dạy thêm không thuộc danh mục chịu thuế GTGT, chỉ chịu thuế TNCN nếu vượt ngưỡng doanh thu quy định.
4. Thời hạn nộp thuế :
- Lệ phí môn bài trước ngày 30/01 hàng năm.
- Thời hạn nộp Thuế TNCN thực hiện theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC :
- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với Hộ kê khai nộp thuế theo quý;
- hoặc chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hộ kê khai nộp theo tháng;
- hoặc Căn cứ Thông báo nộp tiền cơ quan quản lý Thuế gửi theo mẫu 01/TB-CNKD đối với hộ khoán.
- Nếu ngày cuối trùng vào ngày nghỉ lễ, thời hạn nộp thuế sẽ là ngày làm việc tiếp theo.
5. Lưu ý quan trọng
- Hộ kinh doanh cần kê khai doanh thu trung thực.
- Nếu hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động và hoạt động trở lại trong 6 tháng đầu năm, phải nộp đủ lệ phí môn bài; nếu trong 6 tháng cuối năm, chỉ nộp 50% mức quy định.
Như vậy, hộ kinh doanh dạy thêm không chịu thuế GTGT, chỉ phải nộp thuế môn bài và TNCN nếu doanh thu vượt ngưỡng quy định.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thuế đối với Hộ kinh doanh dạy thên năm 2025”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi, chia sẻ vè góp ý bổ sung.
Biên tập: Trần Thị Phương, Linh Chi
Người hướng dẫn: Trần Thị Phương
[1] Điều 4.3 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT
[2] Điều 4.13 Thông tư 213/2013/TT-BTC
[3] Điều 17, 18 Luật Thuế GTGT 2024
[4] Điều 5.13 Luật Thuế GTGT 2024, Phụ lục I Thông tư 40/2021/TT-BTC