Thủ tục đăng ký hành nghề thừa phát lại

Thủ tục đăng ký hành nghề thừa phát lại

Thủ tục đăng ký hành nghề thừa phát lại

Tình huống: Tôi tên Thảo, hiện nay tôi đang có nhu cầu thành lập một văn phòng thừa phát lại tại thành phố Hồ Chí Minh. Luật sư cho tôi hỏi tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì và thủ tục thực hiện ra sao?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi trên đến cho Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi trên, chúng tôi có những ý kiến tư vấn như sau:

Ở Việt Nam, thừa phát lại bắt đầu xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Theo các quy định hiện hành thì thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về tống đạt giấy tờ, thi hành án, lập vi bằng và một số công việc khác[1]. Nước ta đang trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, Nhà nước ta đang từng bước hoàn thiện các thủ tục tố tụng dân sự, đặc biệt là tạo điều kiện cho các tổ chức không phải là cơ quan nhà nước được thực hiện một số công việc thi hành án dân sự. Và các tổ chức thừa phát lại cũng là một trong số đó.

1) Điều kiện để có thể trở thành Thừa phát lại

Việc bổ nhiệm chức danh Thừa phát lại trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, dựa theo các tiêu chí sau đây:

– Người đó phải là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt[2];

– Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành Luật và đã công tác trong lĩnh vực pháp luật từ 3 năm trở lên[3];

– Có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo hành nghề và đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức[4];

– Không kiêm nhiệm các công việc như Luật sư, công chứng…

2) Những công việc mà Thừa phát lại được làm

– Tống đạt các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ của các cơ quan thi hành án và Tòa án: Thừa phát lại được quyền tống đạt các giấy tờ, tài liệu trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, khiếu nại, tố cáo,…hoạt động thừa phát lại được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan thi hành án dân sự. Một văn phòng Thừa phát lại có quyền ký hợp đồng tống đạt[5]. Các loại văn bản mà Thừa phát lại được tống đạt là: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định trong trường hợp xét xử vắng mặt đương sự của Tòa án; các quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án dân sự[6].

– Lập vi bằng theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức: Vi bằng là văn bản được xem như một loại chứng cứ để Tòa án có thể xem xét, giải quyết vụ án. Khi có yêu cầu của các đương sự thì Thừa phát lại có quyền lập vi bằng để ghi nhận lại các sự kiện và hành vi xảy ra mà mình trực tiếp chứng kiến[7].

– Xác minh điều kiện thi hành án dân sự: Đây thực chất là việc xác minh xem đương sự có đủ khả năng về kinh tế để có thể thi hành các bản án, quyết định của Tòa án hay không[8].

– Trực tiếp tổ chức việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án: Dựa theo đơn yêu cầu của đương sự thì Thừa phát lại có thể tổ chức thi hành đối với một số bản án, quyết định nhất định (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án)[9].

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

3) Thủ tục đăng ký hành nghề và xin cấp Thẻ Thừa phát lại

Thành phần hồ sơ:

Cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ nộp đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở bao gồm các giấy tờ sau đây:

– Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại[10];

– Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu[11];

– Một ảnh chân dung của Thừa phát lại (cỡ 2 cm x 3 cm) và thời gian chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ[12].

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở Tư pháp. Thời gian làm việc của Sở Tư pháp là từ thứ hai đến thứ sáu (Buổi sáng từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút, buổi chiều từ 13 giờ 00 phút đến 17 giờ 00 phút) và buổi sáng thứ bảy từ 07 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút.

Bước 2: Bộ phận tiếp nhận sẽ tiến hành kiểm tra xem bộ hồ sơ có đầy đủ và đảm bảo được tính hợp lệ hay không:

+ Trường hợp hồ sơ hợp lệ và đầy đủ theo quy định thì sẽ cấp Giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ;

+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, người tiếp nhận sẽ có hướng dẫn bằng văn bản để người nộp hồ sơ có bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định.

Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại cho người đó. Trường hợp từ chối, thì Sở sẽ có thông báo bằng văn bản và trong đó có nêu rõ lý do từ chối[13].

Bước 4: Người nhận hồ sơ lên nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Sở Tư pháp.

Lệ phí thực hiện: Không có.

Mẫu thẻ Thừa phát lại được cấp như dưới đây:

Lưu ý: Nghị định 08/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 24/02/2020.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Thủ tục đăng ký hành nghề thừa phát lại”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 2.1 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[2] Điều 6.1 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[3] Điều 6.2, 3 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[4] Điều 6.4, 5 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[5] Điều 33.1 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[6] Điều 4 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC

[7] Điều 39 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[8] Điều 9 Thông tư liên tịch 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC

[9] Điều 51 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[10] Điều 15.1.(a) Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[11] Điều 15.1.(b) Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[12] Điều 15.1.(c) Nghị định 08/2020/NĐ-CP

[13] Điều 15.2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Doanh nghiệp
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*