Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng

Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng

Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng

Tình huống: Anh Nguyễn Hữu Thao gửi câu hỏi đến cho Luật Nghiệp Thành như sau: “Hiện tại tôi đang có nhu cầu nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp về để kinh doanh. Mong luật sư tư vấn cho tôi về các giấy tờ cần phải chuẩn bị và thủ tục thực hiện?

Trả lời: Cảm ơn anh Thao đã gửi câu hỏi trên đến cho Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi của anh, chúng tôi xin phép tư vấn như sau:

Căn cứ vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam, tùy từng loại cây trồng cụ thể thì thương nhân sẽ được nhập khẩu giống cây trồng cần phải có giấy phép hoặc không cần có giấy phép. Thương nhân bao gồm các tổ chức kinh tế hoặc cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh[1]. Do đó, doanh nghiệp hay cá nhân nếu đáp ứng được đủ các điều kiện thì đều có thể thực hiện thủ tục nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp.

Tuy nhiên, đối với các trường hợp, cá nhân hay tổ chức không đáp ứng được các điều kiện về khả năng tài chính; chưa có kinh nghiệm về thương mại quốc tế để có thể tự thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa; cá nhân không có tư cách pháp nhân nên không thể ký kết hợp đồng với các đối tác là doanh nghiệp nước ngoài,…thì có thể ủy thác cho một doanh nghiệp có chức năng thực hiện trực tiếp các giao dịch nhập khẩu giống cây trồng theo yêu cầu của mình.

Trong câu hỏi, anh Thao không nêu rõ rằng sẽ tiến hành nhập khẩu giống cây trồng cho cá nhân mình hay tổ chức kinh doanh. Nếu muốn nhập khẩu cho cá nhân hoặc trong trường hợp tổ chức, doanh nghiệp mà anh muốn nhập khẩu giống cây trồng về để kinh doanh chưa có đủ các điều kiện thì tốt nhất nên ủy thác nhập khẩu cho một tổ chức chuyên thực hiện chức năng này. Anh có thể tham khảo Mẫu Hợp đồng ủy thác nhập khẩu. Trước khi thực hiện thủ tục nhập khẩu giống cây trồng anh cần kiểm tra xem giống cây mà mình muốn nhập khẩu có thuộc dạng phải xin giấy phép hay không tại Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam[2].

Trong trường hợp anh nhập khẩu về nước giống cây chưa có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh ở Việt Nam hoặc chưa có văn bản công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới thì phải nộp hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu từ Tổng cục Lâm nghiệp hoặc Cục trồng trọt.

Thành phần hồ sơ:

Để xin cấp giấy phép nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp, anh cần chuẩn bị một bộ hồ sơ[3] như sau:

  1. Văn bản đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu[4];
  2. Tờ khai kỹ thuật[5];

Lưu ý: Tờ khai kỹ thuật các bạn chỉ cần nộp khi xin phép nhập khẩu lần đầu.

  1. Đối với tổ chức thì bạn phải nộp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Trường hợp là cá nhân thì phải nộp bản sao giấy CMND/CCCD hoặc hộ chiếu[6];

Lưu ý:

– Đối với trường hợp nhập khẩu giống cây trồng lần thứ hai trở đi để khảo nghiệm, sản xuất thử thì phải nộp bản báo cáo kết quả nhập khẩu, khảo nghiệm, sản xuất thử lần nhập trước[7];

– Đối với trường hợp nhập khẩu với mục đích phục vụ hoạt động nghiên cứu, khảo nghiệm, hợp tác quốc tế thì phải kèm theo một bản sao thỏa thuận hợp tác bằng tiếng nước ngoài và một bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật[8];

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

– Trường hợp nhập khẩu cây trồng để tham gia vào các hội chợ, triển lãm thì phải bổ sung thêm Giấy xác nhận hoặc Giấy mời tham gia hội chợ, triển lãm tại Việt Nam[9];

– Trường hợp nhập khẩu để làm quà tặng thì phải bổ sung thêm một bản sao giấy xác nhận giữa hai bên bằng tiếng nước ngoài và một bản dịch sang tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật[10];

– Trường hợp nhập khẩu để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư, hồ sơ phải bổ sung bản sao (mang theo bản chính để đối chiếu) hoặc bản sao có chứng thực của văn bản phê duyệt/chấp thuận chương trình, dự án đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc dự án được doanh nghiệp phê duyệt[11];

– Trường hợp nhập khẩu giống cây trồng để phục vụ dự án xây dựng đường giao thông phải bổ sung bản sao chứng thực Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ sau: Giấy công nhận giống cây trồng mới; Giấy xác nhận giống cây trồng không nằm trong Danh mục cấm sử dụng của nước xuất khẩu; Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự kèm theo bản dịch ra tiếng Việt có xác nhận của cơ quan dịch thuật hoặc kết quả nghiên cứu, khảo nghiệm tại Việt Nam cho thấy giống cây trồng an toàn với môi trường[12].

Trình tự thực hiện:

Bước 1: Gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp đến bộ phận “một cửa” – Văn phòng Cục Trồng trọt hoặc thông qua đường bưu điện đến Cục Trồng trọt[13].

Cục Trồng trọt có địa chỉ tại: Nhà A6A, số 2, đường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội; Số điện thoại liên hệ: 0243-8234651;

Bước 2: Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Trồng trọt sẽ gửi thông báo yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ[14].

Bước 3: Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Cục Trồng trọt sẽ cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng[15]. Trường hợp từ chối cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản trả lời, trong đó có nêu rõ lý do từ chối[16].

Thời hạn có hiệu lực: Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng sẽ có thời hạn 12 tháng kể từ ngày cấp[17].

Các cá nhân vì không có pháp nhân nên không thể tự mình ký kết hợp đồng nhập khẩu giống cây trồng. Đồng thời, một số tổ chức, doanh nghiệp vì chưa có đủ kinh nghiệm trong việc nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài…thì nên ủy thác cho tổ chức chuyên thực hiện chức năng nhập khẩu hàng hóa để nhập khẩu giống cây trồng nông nghiệp.Lưu ý: Nghị định 94/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/02/2020.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu giống cây trồng”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 6.1 Luật Thương mại 2005

[2] Quyết định số 74/2004/QĐ-BNN; Quyết định số 40/2006/QĐ-BNN; Quyết định số 103/2006/QĐ-BNN; Quyết định số 50/2008/QĐ-BNN; Quyết định số 104/2008/QĐ-BNN; Quyết định số 124/2008/QĐ-BNN; Thông tư số 21/2009/TT-BNN; Thông tư số 40/2009/TT-BNNPTNT; Thông tư số 61/2009/TT-BNNPTNT; Thông tư số 84/2009/TT-BNNPTNT; Thông tư số 11/2010/TT-BNNPTNT; Thông tư số 22/2010/TT-BNNPTNT; Thông tư số 30/2010/TT-BNNPTNT; Thông tư số 34/2010/TT-BNNPTNTT; Thông tư số 49/2010/TT-BNNPTNT; Thông tư số 65/2010/TT-BNNPTNT; Thông tư số 70/2010/TT-BNNPTNT; Thông tư số 30/2011/TT-BNNPTNT; Thông tư số 41/2011/TT-BNNPTNT; Thông tư số 51/2011/TT-BNNPTNT; Thông tư số 82/2011/TT-BNNPTNT; Thông tư số 09/2012/TT-BNNPTNT; Thông tư số 12/2012/TT-BNNPTNT; Thông tư số 17/2012/TT-BNNPTNT; Thông tư số 21/2012/TT-BNNPTNT; Thông tư số 44/2012/TT-BNNPTNT; Thông tư số 06/2013/TT-BNNPTNT; Thông tư số 01/2015/TT-BNNPTNT; Thông tư số 28/2016/TT-BNNPTNT

[3] Điều 12 Nghị định 94/2019/NĐ-CP

[4] Mẫu số 03/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[5] Mẫu số 04/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[6] Điều 3.1.(c) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[7] Điều 3.1.(d) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[8] Điều 3.1.(đ) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[9] Điều 3.1.(e) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[10] Điều 3.1.(g) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[11] Điều 3.1.(h) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[12] Điều 3.1.(i) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[13] Điều 3.4 Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[14] Điều 3.2.(a) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[15] Mẫu số 05/TT Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 43/2018/TT-BNNPTNT

[16] Điều 3.2.(b) Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

[17] Điều 3.3 Thông tư 43/2018/TT-BNNPTNT

 

 

Document
Categories: Nông Nghiệp
Tags: tag

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*