Siết chặt thành lập doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh khi còn nợ thuế
Siết chặt thành lập doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh khi còn nợ thuế
Người nộp thuế gian lận trong sử dụng hóa đơn điện tử đang lợi dụng nhiều lỗ hổng trong quy định pháp luật với nhiều thủ đoạn tinh vi. Một trong những chiêu gian lận hóa đơn điện tử phổ biến đó là các đối tượng thành lập doanh nghiệp chỉ cần có CCCD của bất kỳ một cá nhân, thậm chí là đánh cắp thông tin để đăng ký. Vì thủ tục thành lập doanh nghiệp được thực hiện cùng với đăng ký thuế theo cơ chế một cửa liên thông nên các đối tượng này dễ dàng tiến hành thành lập doanh nghiệp để bán hóa đơn trong thời gian ngắn (thường hoạt động trên dưới 01 năm), sau đó, sẽ thông báo tạm ngừng, hoặc bỏ địa chỉ công ty. Và lại tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới với tiến trình tương tự.
Do đó, Cơ quan thuế, Vụ quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Vụ quản lý thuế DNNCN) hiện đã đưa ra nhiều đề xuất đến cơ quan Bộ Kế hoạch và đầu tư liên quan đến thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh.
Những đề xuất sửa đổi về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh như sau:
Một là, Các cá nhân thành lập, quản lý doanh nghiệp chỉ được thành lập doanh nghiệp mới nếu hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Thực tế, có không ít doanh nghiệp sau một thời gian hoạt động bị chuyển sang tình trạng “Không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký”, vì lý do: thực tế lại đang hoạt động tại địa chỉ khác với địa chỉ trụ sở, không có biển hiệu, chủ động bỏ địa chỉ, v.v…nhưng lại không thực hiện giải quyết để mở MST. Mà người đại diện thay vào đó sẽ bỏ dở và thành lập doanh nghiệp mới mà không gặp bất cứ cản trở nào khi nộp hồ sơ.
Cần lưu ý rằng cá nhân thành lập, quản lý doanh nghiệp sẽ bao gồm cả cá nhân, tổ chức, cụ thể là các thành viên góp vốn trong Công ty TNHH 2TV trở lên, Chủ tịch công ty trong Công ty TNHH MTV, Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT trong Công ty cổ phần, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, chủ doanh nghiệp tư nhân trong doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh trong Công ty hợp danh và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo Điều lệ Công ty.[1]
Vì vậy, để tránh trường hợp doanh nghiệp của chính những cá nhân thành lập, quản lý doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh thành lập mới doanh nghiệp để bán hóa đơn không hợp pháp, nên đề xuất trên đã được đưa ra. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan trong thành lập doanh nghiệp sẽ phối hợp để kiểm soát các thông tin cá nhân tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp theo định danh cá nhân.
Hai là, tạm ngừng kinh doanh chỉ được cơ quan đăng ký doanh nghiệp chấp thuận khi doanh nghiệp đó khắc phục các vi phạm hành chính về quản lý thuế
Quy định về điều kiện đăng ký tạm ngừng kinh doanh hiện không yêu cầu các doanh nghiệp phải khắc phục vi phạm hành chính về quản lý thuế như[2]: các vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, hành vi khai sai, trốn thuế, v.v… thì mới được cơ quan đăng ký doanh nghiệp chấp thuận hồ sơ tạm ngừng.
Tạm ngừng kinh doanh là một trong những cách thức để doanh nghiệp tránh phải chấp hành nộp phạt do vi phạm hành chính thuế bằng cách đăng ký tạm ngừng kinh doanh liên tục từ năm này qua năm khác vì hiện tại quy định pháp luật doanh nghiệp đã không còn giới hạn số năm tối đa tạm ngừng liên tiếp.
Tuy nhiên, với đề xuất trên, thì những thông tin về vi phạm hành chính thuế sẽ được cơ quan thuế và cơ quan hải quan cung cấp thông tin vi phạm đó đến cơ quan đăng ký doanh nghiệp, từ đó đưa ra thông báo chấp thuận hoặc không chấp thuận tạm ngừng kinh doanh đến doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Siết chặt thành lập doanh nghiệp và tạm ngừng kinh doanh khi còn nợ thuế”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhjan được phản hồi góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận, CEO Trần Thị Phương (Công ty cổ phần Khánh Bình)
[1] Điều 4.24, 25 Luật Doanh nghiệp 2020
[2] Chương XV Luật Quản lý thuế 2019