Quy trình xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật
Trong quá trình đầu tư, sản xuất sản phẩm, hàng hóa (gọi tắt là “hàng hóa”) cho đến khi đưa ra thị trường cho người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức kinh doanh là luôn phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng hàng hóa của mình về tính mạng, sức khỏe, tài sản.
Dù đã đảm bảo sản xuất đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành nhưng nếu tại thời điểm hàng hóa được cung cấp cho người tiêu dùng mà hàng hóa không đảm bảo an toàn, có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng thì những hàng hóa này được xem là hàng hóa có khuyết tật[1].
Vậy khi phát hiện hàng hóa có khuyết tật các cá nhân, tổ chức kinh doanh cần xử lý theo quy trình như thế nào?
Thứ nhất, Phải thực hiện các biện pháp cần thiết để ngừng cung cấp hàng hóa trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện hàng hóa có khuyết tật hoặc khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý[2]
Thứ hai, Nếu chậm trễ thực hiện ngừng cung cấp hàng hóa khuyết tật trong vòng 24 giờ thì phải chịu trách nhiệm trước người tiêu dùng và pháp luật[3]
Với quy định trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện hàng hóa có khuyết tật và việc quy trách nhiệm sẽ thúc đẩy cá nhân, tổ chức kinh doanh nhanh chóng ngừng đưa hàng hóa ra thị trường, ngăn chặn kịp thời nguồn cung, tránh phát sinh thêm và gây ra ảnh hưởng trước tiên đến tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng.
Thứ ba, Phải báo cáo cơ quan quản lý nhà nước[4] trước khi tiến hành thu hồi hàng hóa có khuyết tật[5]
Cá nhân, tổ chức kinh doanh thực hiện Báo cáo theo Mẫu số 08
Trong đó, cần thông tin cụ thể thời gian, địa điểm phương thức thu hồi hàng hóa lẫn thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật hàng hóa. Các chi phí trong quá trình thực hiện thu hồi và trách nhiệm của mỗi bên, dự kiến các thiệt hại/tổn thất, tác động tới người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa khuyết tật, các cam kết bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
Thứ tư, Phải thông báo công khai và thu hồi hàng hóa
- Đối với hàng hóa nhóm A (có khả năng gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng) thì trong thời hạn 03 ngày kể từ lúc phát hiện hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý.[6]
Phải tiến hành các trách nhiệm công khai hàng hóa của cá nhân, tổ chức kinh doanh có khuyết tật và thu hồi hàng hóa đó theo hình thức niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh hoặc đăng tải trên trang web, phần mềm ứng dụng (nếu có). Việc công khai này được thực hiện cho đến khi kết thúc việc thu hồi.
Và thông báo công khai về hàng hóa khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử ở trung ương và địa phương nơi hàng hóa lưu thông.
Thông báo công khai cần đảm bảo các nội dung:[7]
1. Mô tả sản phẩm, hàng hóa phải thu hồi;
2. Lý do thu hồi sản phẩm, hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa gây ra;
3. Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi sản phẩm, hàng hóa;
4. Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của sản phẩm, hàng hóa;
5. Nội dung khác có liên quan (nếu có) để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
- Đối với hàng hóa nhóm B (có khả năng gây thiệt hại cho tài sản của người tiêu dùng) thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ lúc phát hiện hàng hóa có khuyết tật hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý.[8]
Cá nhân, tổ chức kinh doanh phải công khai hàng hóa của mình là khuyết tật và thu hồi niêm yết tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên các trang web, ứng dụng của mình cho đến khi kết thúc việc thu hồi.
Thứ năm, sau khi kết thúc thu hồi, thì Cá nhân, tổ chức kinh doanh phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện việc thu hồi[9]
Phải trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ thời điểm kết thúc thu hồi hoặc khi nhận được yêu cầu báo cáo của cơ quan nhà nước.
Cá nhân, tổ chức kinh doanh báo cáo theo Mẫu số 09
Và lưu ý rằng phải thực hiện đúng nội dung đã báo cáo, thông báo và chịu các chi phí phát sinh trong quá trình thu hồi hàng hóa.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy trình xử lý sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức tới Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 3.4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
[2] Điều 17.1 Nghị định 55/2024/NĐ-CP
[3] Điều 17.2 Nghị định 55/2024/NĐ-CP
[4] Cục Quản lý cạnh tranh của Bộ Công thương và Sở Công thương thuộc UBND cấp tỉnh
[5] Điều 19.1 Nghị định 55/2024/NĐ-CP
[6] Điều 18.1 Nghị định 55/2024/NĐ-CP, Điều 33.1.(a), Điều 33.2.(b), (c) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
[7] Điều 33.4 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023
[8] Điều 18.2 Nghị định 55/2024/NĐ-CP và Điều 33.1.(b) Điều 33.2.(b) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
[9] Điều 32 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, Điều 19 Nghị định 55/2024/NĐ-CP