Phân cấp chuyên môn bệnh viện trong hệ thống khám, chữa bệnh

Phân cấp chuyên môn bệnh viện trong hệ thống khám, chữa bệnh
Khám, chữa bệnh là nhu cầu thiết yếu của mọi người dân, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu này một cách hiệu quả, hệ thống y tế cần được tổ chức một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng sức khỏe và điều kiện thực tế của mình.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, hệ thống khám, chữa bệnh được phân thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu.[1] Mỗi cấp có vai trò và nhiệm vụ riêng nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế và hiệu quả điều trị cho người dân.
1. Cấp khám, chữa bệnh ban đầu
Bao gồm các cơ sở y tế không có điều trị nội trú, như trạm y tế xã, phòng khám đa khoa khu vực có giường bệnh. Những cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ khám, chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.[2]
2. Cấp khám, chữa bệnh cơ bản và chuyên sâu
Cấp cơ bản và cấp chuyên sâu bao gồm các bệnh viện và trung tâm y tế có giường bệnh, đóng vai trò quan trọng trong công tác điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe chuyên sâu.[3]
Gần đây, Bộ Y tế đã công bố kết quả xếp cấp chuyên môn của 48 bệnh viện trực thuộc Bộ. Trong số đó, có 28 bệnh viện được phân vào cấp chuyên sâu, trong đó 4 bệnh viện đạt mức kỹ thuật cao gồm:
– Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – 94 điểm
– Bệnh viện Bạch Mai – 91 điểm
– Bệnh viện Chợ Rẫy – 90 điểm
– Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế – 90 điểm
20 bệnh viện còn lại được xếp vào cấp cơ bản theo quy định đánh giá xếp cấp chuyên môn. Tiêu chí phân cấp cụ thể như sau:
– Cơ sở khám, chữa bệnh đạt dưới 70 điểm được xếp vào cấp cơ bản.
– Cơ sở khám, chữa bệnh đạt từ 70 điểm trở lên được xếp vào cấp chuyên sâu.
– Cơ sở khám, chữa bệnh đạt 90 điểm trở lên được công nhận là mức kỹ thuật cao trong cấp chuyên sâu.
Việc phân cấp chuyên môn kỹ thuật không chỉ giúp đánh giá chính xác năng lực chuyên môn của từng cơ sở y tế mà còn hỗ trợ công tác quản lý, phân tuyến điều trị hợp lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực y tế. Đồng thời, người dân cũng có thêm thông tin để lựa chọn cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với tình trạng sức khỏe, đảm bảo tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng một cách thuận tiện và hiệu quả.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Phân cấp chuyên môn bệnh viện trong hệ thống khám, chữa bệnh”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Đỗ Thị Hồng Giao
Người duyệt: Nguyễn Linh Chi
[1] Điều 104.1 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023
[2] Điều 89.1 Nghị định 96/2023/NĐ-CP
[3] Điều 89.2 Nghị định 96/2023/NĐ-CP