Những địa điểm không được phép uống rượu bia
Năm 2020 vừa qua, nước ta đã có nhiều chính sách quyết liệt với mục tiêu giảm thiểu việc sử dụng bia rượu. Bên cạnh những quy định liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông bằng cách cấm sử dụng rượu bia khi lái xe. Ngoài ra còn có những quy định về các địa điểm không uống rượu, bia; đặc biệt là tại các địa điểm công cộng cũng được làm rõ. Những quy định về quản lý rượu bia đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện, thậm chí là rất nghiêm ngặt. Như tại Singapore, người dân không được phép tiêu thụ rượu bia ở nơi công cộng từ 22h30 đến 7h hàng ngày. Người vi phạm có thể bị phạt tới 1.000 SGD[1] (hơn 17 triệu đồng), nếu tái phạm thì mức phạt lên tới 2.000 SGD (hơn 34 triệu đồng) và 3 tháng tù. Đối với đất nước Brunei, việc bán và tiêu thụ đồ uống có cồn nơi công cộng thì bị nghiêm cấm. Và tại các nước như Ấn Độ, UAE, Pakistan, v.v…. cũng có những quy định rất chặt chẽ về sử dụng rượu, bia[2]. Trước những hệ lụy mà rượu bia mang lại cho xã hội như tai nạn giao thông, bệnh tật, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, v.v…. Do vậy, quy định về những địa điểm không được phép uống rượu bia là biện pháp cần thiết để kiểm soát tình trạng lạm dụng quá mức ở nước ta hiện nay. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
- Hệ lụy sử dụng rượu, bia:
Tác hại về sức khỏe[3]
Theo số liệu năm 2016, tỉ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm[4] ở nước ta chiếm tới 77%. Và rượu bia là một trong những nguy cơ chủ yếu của các bệnh không lây nhiễm mà Việt Nam đang phải đối mặt, do sự gia tăng trầm trọng của các loại bệnh này.
Theo nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2016, 12% trường hợp tử vong tại Việt Nam liên quan tới sử dụng rượu bia. Rượu bia là yếu tố nguy cơ cao thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây tàn tật và tử vong[5], đồng thời cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thương tích, tai nạn giao thông, rối loạn tâm thần và hành vi, xơ gan, bệnh tim mạch, ung thư và một số bệnh không lây nhiễm như trên.
Ảnh hưởng đến xã hội[6]
Rượu, bia là căn nguyên của nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng như: bạo lực, mất an toàn trật tự xã hội, tội phạm, phân hóa xã hội.
– Đầu tiên là hung hãn, bạo lực và tội phạm.
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, khi nồng độ cồn trong máu đến mức 0.05%; người uống rượu, bia có xu hướng trở nên hung hãng và nồng độ cồn trong máu càng cao thì mức hung hãng càng tăng.
Tại Việt Nam, theo báo cáo năm 2015 của Học viện Cảnh sát Nhân dân, trên 70% số vụ phạm pháp hình sự có nguyên nhân xuất phát từ sử dụng rượu bia ở nhóm tuổi trẻ dưới 30 tuổi.
– Bên cạnh đó, rượu bia gây suy giảm chức năng xã hội của người sử dụng.
Đó là giảm khả năng lao động, học tập, ảnh hưởng vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình; phá hỏng các mối quan hệ xã hội và còn tăng nguy cơ tội phạm.
Theo thống kê tại nước ta,
– Có 32,5% phụ nữ đã kết hôn hoặc sống chung với bạn tình, phải chịu các tác hại từ chồng/bạn tình uống nhiều rượu bia.
– 21% cha mẹ/ người chăm sóc cho biết trẻ em trong gia đình chịu tác hại từ việc sử dụng rượu bia của người xung quanh.
– 14% gia đình có trẻ em chịu ít nhất một trong số tác hại: bị người uống rượu bia đánh đập, phải chứng kiến bạo lực nghiêm trọng liên quan đến rượu bia trong gia đình. Bị bỏ mặc, thiếu sự chăm sóc bảo vệ của người lớn. Hơn nữa, gia đình không còn tiền để chi cho các nhu cầu thiết yếu cho trẻ do thành viên hộ gia đình sử dụng rượu bia gây ra.
Gánh nặng về kinh tế[7]
Cụ thể vào năm 2017, chi phí kinh tế cho việc tiêu thụ bia là 4 tỷ USD (4,06 tỷ lít bia được tiêu thụ trong năm 2017), chưa tính đến chi phí gián tiếp.
Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp của ngành rượu bia và nước giải khát vào ngân sách nhà nước năm 2017 là 50.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD. Chi phí trực tiếp riêng cho tiêu thụ rượu bia đã nhiều gấp 2 lần mức đóng góp vào ngân sách nhà nước của toàn ngành.
Trong khi đó, chi phí để giải quyết các hậu quả về sức khỏe là rất lớn. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư Việt Nam, năm 2012, tổng chi phí y tế trực tiếp và gián tiếp của 6 loại ung thư phổ biến[8] tại Việt Nam mà rượu bia là một trong các nguyên nhân cấu thành chính lên tới 25.789 tỷ đồng. Gánh nặng kinh tế này đổ dồn lên cả hộ gia đình (chịu 48% tổng chi phí), Cơ quan bảo hiểm y tế (25%) và Chính phủ (27%).
- Những địa điểm không được phép uống rượu bia
Trước những hệ lụy rượu, bia mang lại, đã có nhiều đề xuất và dự thảo về các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia. Cụ thể đó là cấm uống rượu bia tại một số địa điểm:
Thứ nhất là tại các trụ sở, cơ quan đặc thù như:[9]
– Cơ sở y tế.
– Cơ sở giáo dục trong thời gian giảng dạy, học tập, làm việc.
– Cơ sở, khu vực chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi.
– Cơ sở cai nghiện, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giam giữ phạm nhân và các cơ sở giam giữ khác.
– Cơ sở bảo trợ xã hội.
– Nơi làm việc của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập trong thời gian làm việc, trừ địa điểm được phép kinh doanh rượu, bia.
Ngoài ra, có sự quy định rõ ràng hơn về các địa điểm công cộng như:[10]
+ Công viên
Trường hợp nhà hàng nằm trong phạm vi khuôn viên của công viên và nhà hàng đó đã được cấp phép kinh doanh rượu, bia trước ngày 24/02/2020[11] thì không được xem là vi phạm.
+ Nhà chờ xe buýt.
+ Rạp chiếu phim, nhà hát, cơ sở văn hóa, thể thao trong thời gian tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và công năng sử dụng chính của các địa điểm này. Trừ trường hợp các địa điểm này tổ chức các lễ hội ẩm thực, văn hóa có sử dụng rượu, bia.
- Mức xử phạt
Với hành vi uống rượu, bia tại địa điểm không được uống rượu, bia thì cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.[12] Với tổ chức thì mức phạt sẽ gấp hai lần cá nhân là từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.[13]
Ngoài ra, nếu việc uống rượu bia mà gây mất trật tự công cộng, tùy theo mức độ vi phạm mà người sử dụng rượu bia sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính: Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.[14] Còn mức phạt với tổ chức vi phạm là từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng.[15]
Về xử lý hình sự, đó là tội gây rối trật tự công cộng.[16]
– Đối với người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Thì sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 – 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Ngoài ra, phạm tội trong các trường hợp dưới đây sẽ bị phạt tù từ 02 – 07 năm:
+ Có tổ chức
+ Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách
+ Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng
+ Xúi giục người khác gây rối
+ Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng
+ Tái phạm nguy hiểm
Trên đây là nội dung tư vấn về “Những địa điểm không được phép uống rượu bia”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Viết tắt của Singapore Dollar
[2] Thông tin từ Báo Vn Express
[3] Hỏi đáp về phòng chống tác hại của rượu bia do Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát hành.
[4] Bệnh không lây nhiễm là những bệnh có thời gian bị bệnh dài và nhìn chung là tiến triển chậm.
Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính là bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường (Trang web Bộ Y tế Việt Nam)
[5] Trang web Bộ Y tế Việt Nam
[6] Hỏi đáp về phòng chống tác hại của rượu bia do Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát hành.
[7] Hỏi đáp về phòng chống tác hại của rượu bia do Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam phát hành.
[8] 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam: Ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
[9] Điều 10 Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019
[10] Điều 3 Nghị định 24/2020
[11] Ngày 24/02/2020 là ngày Nghị định 24/2020 có hiệu lực
[12] Điều 30.2.a Nghị định 117/2020
[13] Điều 4.5 Nghị định 117/2020
[14] Điều 5.2 Nghị định 167/2013
[15] Điều 4.2 Nghị định 167/2020
[16] Điều 318 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)