Nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp?

Nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp?

Nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp?

Hộ kinh doanh ở Việt Nam có một đóng góp to lớn cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Theo thống kê, hiện nay trong cả nước có đến hơn 5 triệu Hộ kinh doanh cá thể với số lượng lao động hơn 8 triệu người, chiếm trên 50% lực lượng lao động của toàn xã hội. Do đó, Hộ kinh doanh không chỉ góp phần giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập mà còn giúp cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa có được cái nghề, có được nơi làm việc để làm kế sinh nhai.

Hộ kinh doanh là một mô hình kinh doanh do một cá nhân; một nhóm người gồm các cá nhân hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được kinh doanh tại một địa điểm duy nhất, sử dụng dưới 10 lao động, không có tư cách pháp nhân khi tham gia vào các giao dịch, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các hoạt động kinh doanh và các nghĩa vụ nợ khác. Với quy mô nhỏ nên các thủ tục về thuế và các thủ tục hành chính khác của Hộ kinh doanh đều rất đơn giản, chi phí quản lý thấp. Do đó, mô hình hộ kinh doanh rất phù hợp với nền kinh tế Việt Nam.

Lợi ích khi các cá nhân, nhóm cá nhân hay hộ gia đình tham gia vào Hộ kinh doanh là gì?

Thủ tục đăng ký thành lập Hộ kinh doanh tương đối đơn giản: Các bạn chỉ cần chuẩn bị một thủ tục đăng ký thành lập đơn giản (Bao gồm Giấy đề nghị đăng ký Hộ kinh doanh và bản sao hợp lệ giấy CMND/CCCD hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của bạn) và đến nộp tại Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi làm thực hiện hoạt động kinh doanh[1]. Các bạn có thể tham khảo bài viết Thủ tục đăng ký Hộ kinh doanh của chúng tôi.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều thành lập công đoàn và chịu phí công đoàn hằng năm. Tuy nhiên đối với Hộ kinh doanh, vì không có công đoàn cho nên họ cũng không phải nộp phí công đoàn. Các quy chế về kế toán khá đơn giản, phù hợp với quy mô kinh doanh nhỏ lẻ.

Hộ kinh doanh ở Việt Nam phát triển chính bởi vì sự phù hợp với loại hình kinh doanh nhỏ lẻ, đặc biệt là tại những vùng nông thôn. Tỷ trọng đóng góp của Hộ kinh doanh trong cơ cấu GDP cao hơn hẳn so với các loại hình kinh doanh khác, chiếm trên 30% trong tổng số GDP. Tuy nhiên hiện nay, Hộ kinh doanh còn gặp không ít khó khăn về vốn, tư cách pháp nhân cũng như vị thế của Hộ kinh doanh trên thương trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Những khó khăn mà mô hình Hộ kinh doanh gặp phải

Theo quy định thì pháp nhân phải được thành lập theo quy định của luật, phải có cơ cấu tổ chức nhất định (Ví dụ: Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; Hội đồng Quản trị, Hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần,…), phải có tài sản tách biệt với tài sản của các thành viên thuộc pháp nhân đó, có thể sử dụng, nhân danh chính pháp nhân đó khi thực hiện một giao dịch hay hợp đồng với bên thứ ba[2].

Hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân sẽ có bất lợi là không có sự tách bạch giữa tài sản của cá nhân chủ Hộ kinh doanh và chính Hộ kinh doanh đó. Nếu Hộ kinh doanh hoạt động thua lỗ, phải đền bù thiệt hại nhưng không đủ tài sản để đền bù thì chính cá nhân chủ Hộ kinh doanh hoặc các thành viên (cùng làm chủ Hộ kinh doanh) phải bỏ tiền, tài sản cá nhân của mình ra để bù đắp vào, thanh toán khoản nợ ấy.

Document

Một cá nhân chỉ được mở một Hộ kinh doanh và chỉ được kinh doanh tại một địa điểm, mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ. Điều này sẽ hạn chế về quy mô phát triển của Hộ kinh doanh.

Hiện nay các quy định của pháp luật điều chỉnh về sự thành lập và hoạt động của Hộ kinh doanh chưa được chặt chẽ và cụ thể.

Khi nào thì các Hộ kinh doanh nên chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp?

Hiện nay, các Hộ kinh doanh đang thực hiện rất tốt vai trò của mình như: Giải quyết vấn đề công ăn việc làm, góp phần lớn vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế,…những Hộ kinh doanh tại các thành phố lớn có quy mô phát triển lớn, sử dụng nhiều lao động thì nên tiến hành chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp.

Đồng thời, các chủ Hộ kinh doanh nên nghiên cứu các quy định mới về Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc chuyển đổi cũng như về các hỗ trợ như: Được tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp[3]; Được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu, miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện[4]; Miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm (kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu)[5];…

Các chủ Hộ kinh doanh nên tận dụng cơ hội, lợi thế nêu trên, tiến hành thực hiện chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp để có thể bứt phá và mở rộng quy mô kinh doanh của mình.

Lời khuyên đối với doanh nhân khởi nghiệp

Đối với những người mới khởi nghiệp (Start-up) thì thường giai đoạn đầu họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vốn, về công nghệ và về kinh nghiệm quản lý. Nếu khởi nghiệp với số vốn hạn chế, quy mô kinh doanh nhỏ, số lượng thành viên ít, chỉ từ 1-2 người thì các bạn có thể thử nghiệm bằng việc mở Hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó có thể thử nghiệm thị trường. Chi phí gia nhập thị trường và chi phí vận hành hoạt động kinh doanh khá phù hợp và ít tốn kém hơn so với việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Theo quy định, khi bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh nghiệp cần phải xuất hóa đơn và sử dụng hóa đơn để ghi nhận doanh thu của tổ chức mình. Do đó, đối với các doanh nhân khởi nghiệp, ngay từ ban đầu, họ phải xác định rõ đối tượng khách hàng của mình sẽ là ai. Nếu khách hàng chủ yếu là các cá nhân bình thường, không yêu cầu phải xuất hóa đơn, đồng thời lượng hàng hóa đầu vào nếu không đảm bảo đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì họ nên lựa chọn hình thức hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, đối với các doanh nhân khởi nghiệp đã từng làm cho doanh nghiệp, hiểu cơ cấu quản lý và có kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp; đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp thường yêu cầu phải có hóa đơn GTGT; hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, bất động sản hay một số các lĩnh vực khác mà cần phải huy động nhiều vốn từ các nhà đầu tư, huy động vốn để phát hành trái phiếu, cổ phiếu,…thì mô hình doanh nghiệp sẽ phù hợp hơn cho họ. Lúc này chi phí quản lý vận hành của doanh nghiệp sẽ cao hơn nhiều so với mô hình hộ kinh doanh.

Tùy theo từng lĩnh vực kinh doanh, tùy theo từng mô hình, tùy theo nhu cầu của bản thân mà những người khởi nghiệp sẽ quyết định lựa chọn mô hình Hộ kinh doanh hay các mô hình doanh nghiệp. Chúng tôi đã có bài viết, Phân biệt các loại hình doanh nghiệp, các bạn có thể tham khảo để đưa ra sự lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp nhất đối với mình.

Con đường phát triển kinh tế không phải là con đường trải đầy hoa hồng, mà nó là một con đường có rất nhiều khó khăn, chông gai.

Với những chia sẻ trên đây, Luật nghiệp Thành hy vọng sẽ phần nào tháo gỡ được thắc mắc của mọi người, nhất là đối với những bạn đang khởi nghiệm hay những người đang ấp ủ, đang có các ước mơ, hoài bão phát triển kinh tế, mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân, gia đình, mà còn cho những người lao động trong doanh nghiệp của mình.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Nên mở Hộ kinh doanh hay thành lập doanh nghiệp” khi khởi nghiệp.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 71.1 Nghị định 78/2015/NĐ-CP

[2] Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015

[3] Điều 16.2.(a) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

[4] Điều 16.2.(b) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

[5] Điều 16.2.(b) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Doanh nghiệp
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*